Dệt may Thành Công (TCM) vừa tổng kết tình hình kinh doanh tháng 11/2021 với doanh thu đạt xấp xỉ 12,8 triệu USD, tương đương 294,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 10% so với tháng 10 trước đó. Về cơ cấu, sản phẩm may chiếm 76% tổng doanh thu, vải chiếm 12% và sợi chiếm 10% tổng doanh thu của TCM trong tháng 11.
Ban lãnh đạo Công ty cho biết, mặc dù năng suất trong tháng 11 của các nhà máy may tăng so với các tháng trước, tuy nhiên chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng và giá bán một số đơn hàng chưa tăng tương ứng nên biên lợi nhuận gộp tháng 11 của sản phẩm may chưa đạt đúng kỳ vọng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế trong tháng 11 giảm đến 86% so với cùng kỳ, đạt 143.096 USD, tương ứng 3,3 tỷ đồng.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của TCM đạt lần lượt đạt 138,4 triệu USD (3.183 tỷ đồng) và 5,1 triệu USD (117 tỷ đồng).
Nguồn TCM
Về xuất khẩu, trong 11, các sản phẩm của công ty này xuất khẩu sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 46,2%, tiếp đến là Nhật Bản khi chiếm 16,3% và Hàn Quốc chiếm 13,7% trong tổng sản lượng xuất khẩu. Điểm sáng trong tháng là việc lượng hàng được xuất khẩu sang thị trường châu Âu ghi nhận mức tăng lên 7,8% tổng lượng hàng xuất khẩu.
TCM cho biết doanh nghiệp sẽ tiếp tục tận dụng những ưu đãi về thuế quan do khi Hiệp định EVFTA mang lại, từ đó không bỏ qua cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng như EU trong thời gian tới.
Hiện, Công ty đã nhận đơn hàng đến quý 2/2022 và đang chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý 3/2022. TCM cho biết đã và đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 dự kiến đi vào hoạt động vào đầu tháng 3/2022 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022 và mang lại doanh thu, lợi nhuận trong thời gian tới.
Công ty cũng vừa nhận những đơn hàng đầu tiên từ khách hàng Revise của Mỹ sau khi vượt qua kiểm tra và đánh giá (audit) nhà máy Thành Công tại Vĩnh Long. Trong tháng 11/2021, công ty cũng đã nhận khoản vay phục hồi sản xuất từ ngân hàng chính sách xã hội TP.HCM với lãi suất 0% để trả lương cho NLĐ trong 3 tháng từ tháng 11/2021 đến tháng 1/2022 theo chương trình hỗ trợ của chính phủ, giúp cho TCM giảm bớt chi phí tài chính so với vay từ ngân hàng thương mại.
Về cổ phiếu, từ đầu tháng 11 đến chốt phiên 15/12/2021, thị giá TCM giảm gần 10% xuống mức 71.800 đồng/cổ phiếu, trong đó phiên có giá cao nhất rơi vào phiên 23/11 với mức 82.100 đồng/cổ phiếu. Tại thời điểm 15/12, với hơn 71 triệu cổ phần đang lưu hành, vốn hóa thị trường của TCM đạt khoảng 5.113 tỷ đồng.