Giá cả đang chịu áp lực kép, đó là buộc phải tăng vì tác động từ thế giới và vì tâm lý nặng nề kích thích tăng. Chính phủ khẳng định lạm phát năm nay hoàn toàn kiểm soát được theo mục tiêu đã đề ra và phải chiến thắng được lạm phát kỳ vọng.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ đã hết sức bực dọc khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu CPI 6 tháng mà không đi kèm với những phân tích căn cơ, khiến con số này trở nên "giật gân", trong khi cần một thái độ điềm tĩnh hơn.
Không đến mức "khó thở"
Ông nói, "để lạm phát kỳ vọng là rất nguy hiểm. Lạm phát tháng 6/2018 không có gì bất thường. Nếu loại trừ yếu tố giá thịt lợn tăng mạnh nhất thì lạm phát tháng này chỉ tăng 0,27%, có thể coi là mức tăng lạm phát của tháng thấp nhất từ trước tới nay".
Theo báo cáo của ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm biến động tương đối sát với dự báo trước đó.
Theo đó, tại phiên họp ngày 29/5/2018 của Ban chỉ đạo điều hành giá dự báo CPI tháng 6 tăng khoảng 0,43- 0,85% và thực tế CPI tháng 6 chỉ tăng 0,61% (chịu tác động tăng chính do giá thịt heo tăng trong đó khoảng 0,34%).
Các nhân tố gây tăng giá trong nửa đầu năm 2018 chủ yếu xuất phát từ yếu tố thị trường, hầu như không có yếu tố tăng giá mới xuất hiện từ công tác điều hành của Chính phủ.
Trước tình hình lạm phát có dấu hiệu tăng cao, Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay, giữ ổn định các mặt hàng do Nhà nước định giá trong tháng 6, tiếp tục rà soát để đẩy nhanh các mặt hàng có khả năng giảm (giá thuốc, giá vật tư y tế thông qua đấu thầu), quyết liệt triển khai biện pháp bình ổn giá các mặt hàng có xu hướng tăng cao...
Trước đó, tại cuộc họp báo cuối tháng 6, Tổng cục Thống kê đã làm dư luận "khó thở" khi công bố so với tháng 12/2017, CPI tháng 6 đã tăng 2,22% và tăng đến 4,67% so với cùng kỳ năm 2017.
Đây là mức tăng cao nhất của CPI trong vòng 7 năm qua. Tính chung, CPI bình quân sáu tháng đầu năm 2018 đã tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2017.
Sức ép tăng giá là có thật, song ứng xử thế nào để có thể kiểm soát nó, theo Phó Thủ tướng Huệ, là cả nghệ thuật, đòi hỏi sự vừa linh hoạt, kịp thời, nhưng cũng vừa phải điềm tĩnh, nếu không giá chưa nhảy dựng lên đã làm người dân nhảy dựng lên.
Chính phủ luôn đi sát từng diễn biến của giá, nên không thể có bất thường gì lớn xảy ra. Như đối với chính sách tiền tệ, lãi suất cơ bản vẫn ở mức thấp (1,35%) và tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 chỉ 17%, thấp hơn chỉ tiêu của năm 2017 và trong 6 tháng đầu năm tín dụng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (7,88% so với 9,06%).
Bên cạnh đó, cả nước đang xuất siêu 2,7 tỷ USD, thặng dư cán cân thanh toán lên tới 9 tỷ USD, lãi suất ổn định nên không phải là nguyên nhân làm tăng tỷ giá bất thường. Tỷ giá tăng bất thường, vì tâm lý nặng nề ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Hàng loạt kịch bản
Còn đối với các loại giá hàng hoá quan trọng tác động tới lạm phát (thịt lợn, xăng dầu, khí hoá lỏng, dịch vụ giáo dục, giá dịch vụ y tế, cước vận tải, viễn thông,...), các bộ, ngành hiện đã có đầy đủ các giải pháp tổ chức sản xuất kinh doanh cụ thể cho từng mặt hàng, trong từng tháng từ nay tới cuối năm để bảo đảm chỉ tiêu lạm phát.
Khi chiến thắng được lạm phát kỳ vọng, thì dù tình hình trên thế giới đầy biến động nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay hoàn toàn trong tầm tay.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), trong các tháng còn lại của năm nay, giá dầu thế giới biến động sẽ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng.
NFSC cho rằng, việc kiểm soát lạm phát và giá cả một số mặt hàng như xăng dầu, thực phẩm các tháng cuối năm là yêu cầu cần lưu ý. Số liệu của nhiều cơ quan nghiên cứu cũng dự báo giá thực phẩm trong năm 2018 sẽ tăng trở lại ở mức tương đương năm 2016. Ước tính việc tăng giá thực phẩm sẽ tác động làm CPI tổng thể tăng 0,5%-0,8%.
NFSC tính toán, nếu giá dầu năm 2018 tăng lên mức 60-62 USD/thùng như dự báo thì sẽ làm cho giá dịch vụ nhóm giao thông tăng khoảng 5-7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5-3,8%. Với việc giá dầu tăng lên mức
65 USD/thùng theo như dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) thì giá nhóm giao thông tăng khoảng 8 - 10%, lạm phát năm 2018 dự báo tăng 4 - 4,1% so với cùng kỳ.
Cả Cục Quản lý giá và Tổng cục Thống kê cũng độc lập đưa ra 2 kịch bản điều hành giá trong những tháng cuối năm, theo đó, cả hai kịch bản đều bảo đảm lạm phát tăng cao nhất cũng khoảng 4%.