Rủi ro đằng sau mức tăng trưởng vững chắc
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết GDP nước này tăng trưởng 7,9% trong quý II so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số hàng tháng về sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định và tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đều đạt hoặc vượt kỳ vọng vào tháng 6. Điều này giúp Trung Quốc tiếp tục đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trở lên trong năm nay.
Trên cơ sở trung bình 2 năm, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 5,5%, cao hơn mức 5% trong quý đầu tiên của năm và gần tương đương với thời điểm trước đại dịch.
Tuy nhiên, đằng sau con số tăng trưởng mạnh mẽ là những rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Những yếu tố đó bao gồm: nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc sụt giảm, đầu tư vào sản xuất và bất động sản chậm lại và mối đe dọa của những đợt tái bùng phát Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước.
Hơn nữa, sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc cũng không cân bằng, khi nhu cầu trong nước sụt giảm còn yếu tố thúc đẩy lại là hoạt động sản xuất nhà máy và xuất khẩu.
Betty Wang – nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại ANZ, cho biết: "Trung Quốc không có động lực rõ ràng nào từ nền kinh tế trong nước để thúc đẩy tăng trưởng." Bà nói thêm rằng, hoạt động xuất khẩu có thể tiếp tục đi ngược lại với dự báo, sụt giảm sau hơn 1 năm có thành tích vượt trội.
Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có cảm thấy an tâm khi đà tăng trưởng đang dần chậm lại hay không. Đôi khi, giới chức Bắc Kinh cho biết họ không quá lo ngại về xu hướng này, thay vào đó là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh những khoản đầu tư kém hiệu quả được thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá.
Với tốc độ hồi phục ổn định và vượt trội so với phần còn lại của thế giới, một số nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh nhìn thấy cơ hội để giải quyết các vấn đề cơ cấu mang tính dài hạn, chẳng hạn như mức nợ lớn, năng suất thấp, nhân khẩu học và biến đổi khí hậu.
Song, Bắc Kinh có thể buộc phải đưa ra hành động nếu tình hình biến chuyển xấu đi nhanh hơn dự kiến. Tuần trước, PBOC đã giải phóng một lượng lớn thanh khoản cho hệ thống tài chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, dù trước đó NHTW cam kết tạo ra "bước ngoặt" cho chính sách tiền tệ.
Chỉ vài tháng trước, Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên rút lại các biện pháp kích thích trong thời kỳ đại dịch. Các nhà kinh tế của ING và Natixis kỳ vọng NHTW Trung Quốc sẽ còn đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn nữa dưới hình thức cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) – tương tự như hồi tuần trước.
Bruce Pang – trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities, cho biết, nỗ lực của Trung Quốc nhằm điều chỉnh chính sách một cách hiệu quả vẫn đang gặp khó khăn về việc liệu có nên chuyển hướng từ chặt chẽ sang nới lỏng hay thắt chặt hơn nữa hay không.
Wei He – nhà kinh tế về Bắc Kinh tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, nhận định động thái giải phóng thanh khoản hồi tuần trước rõ ràng là tín hiệu nới lỏng chính sách. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không điều chỉnh chính sách lãi suất trong ngắn hạn và áp lực sụt giảm phần lớn sẽ kiểm soát được.
Những yếu tố quan trọng để ổn định tăng trưởng
Tốc độ của sự sụt giảm có thể được xác định bởi một số yếu tố được theo dõi chặt chẽ, bao gồm nhu cầu xuất khẩu, đầu tư vào bất động sản và chi tiêu tiêu dùng.
Lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc đạt thành tích tốt trong nhiều tháng, nhờ nhu cầu của người tiêu dùng phương Tây tăng cao. Họ tìm mua những món đồ như laptop, thảm tập yoga, xe đạp và các loại hàng hóa khác do Trung Quốc sản xuất.
Dẫu vậy, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng thời kỳ "hoàng kim" đó có thể sẽ không kéo dài. Họ chỉ ra sự thay đổi rõ rệt trong thói quen chi tiêu ở nước ngoài khi các lệnh hạn chế thời Covid được dỡ bỏ, nhu cầu tiêu dùng chuyển hướng từ mua hàng hóa sang sử dụng dịch vụ trực tiếp.
Theo Larry Hu – nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Group, ít nhất ở thời điểm hiện tại, xuất khẩu của Trung Quốc đã được hỗ trợ một phần nhờ nhu cầu tăng mạnh mẽ từ châu Âu và Nhật Bản, thay thế phần nào cho sự suy yếu từ Mỹ. Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng tốc trong tháng 6, dù các chuyên gia dự đoán sẽ chậm lại.
Một yếu tố quan trọng khác là chi tiêu đầu tư, đặc biệt là vào lĩnh vực sản xuất và bất động sản nhà ở. Trọng tâm trong nỗ lực dài hạn của Bắc Kinh nhằm điều chỉnh tình trạng mất cân bằng kinh tế là hạn chế nguồn vốn mới cho bất động sản. Đây là chiến dịch mà các nhà kinh tế tin rằng giới chức nước này đã cam kết thực hiện.
Trong những đợt kinh tế sụt giảm trước đây, lĩnh vực bất động sản (chiếm khoảng 7% GDP) đã đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tăng trưởng. Tuy nhiên, động thái thắt chặt tín dụng đối với các nhà phát triển có thể gây ra nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu hơn trong nửa cuối năm nay, các nhà phân tích cho hay.
Trong nhiều tháng, các nhà kinh tế đã tranh luận rằng liệu sức chi tiêu tại đại lục liệu có đạt mức trước đại dịch trong năm nay hay không. Theo ANZ, trên cơ sở tăng trưởng trung bình 2 năm qua, doanh số bán lẻ đã giảm 4,9% trong tháng 6, trong khi cùng kỳ năm ngoái là tăng 8%.
Shen Jianguang – nhà kinh tế trưởng tại JD Digits, nhận định, thị trường việc làm không ổn định đối với nhóm người có mức lương thấp và giá bất động sản tăng cao là những yếu tố khiến người dân giảm chi tiêu và tiết kiệm nhiều hơn.
Song, xu hướng này cũng không phản ánh rằng người dân không mong muốn chi tiêu mạnh tay hơn. Wei Zhigang – giám đốc bộ phận sale tại 1 nhà phát triển bất động sản hạng trung ở Chiết Giang, cho biết thu nhập của anh đã bị ảnh hưởng trong đợt dịch năm ngoái. Khi đó, doanh thu giảm gần 50% so với năm 2019 và hoạt động kinh doanh trong năm nay cũng hồi phục chậm hơn dự kiến.
Do đó, Wei và gia đình – thường du lịch đến Mỹ ít nhất mỗi năm 1 lần, đã giảm bớt hoạt động du lịch và tiết kiệm nhiều hơn. Anh cho hay: "Tôi muốn đi du lịch nước ngoài nếu có thể. Số tiền bạn tiết kiệm sẽ mất giá theo thời gian, trừ khi bạn chi tiêu ngay bây giờ."
Tham khảo Wall Street Journal