Theo Báo cáo thị trường tiền tệ tuần đến ngày 31/5 của Bộ phận phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research), với sự mạnh lên của Đảng Xanh và các đảng theo đường lối cực hữu, Nghị viên Châu Âu đang đứng trước nguy cơ ngày càng chia rẽ sau cuộc bầu cử vừa qua. Trong khi đó, nước Anh thì đang nóng lên với cuộc đua giành ghế Thủ tướng Anh với số ứng viên lên tới 12 người. Những biến động trên chính trường khiến đồng GBP và EUR mất giá 0,8% trong 4 ngày đầu tuần trước và hỗ trợ DXY tăng lên trên 98 trước khi giảm về 97,75 điểm sau tuyên bố áp thuế 5% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico của tổng thống D.Trump từ 10/6. Kết thúc tuần, tỷ giá EUR/USD và GBP/USD lần lượt là 1,117 và 1,2632 – mất giá 0,3% và 0,6% so với USD.
Trong khi đó, lời cảnh báo với giới bán khống Nhân dân tệ (CNY), cam kết ổn định tỷ giá của thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cùng với tuyên bố không dán nhãn thao túng tiền tệ lên bất kỳ quốc gia nào, gồm cả Trung Quốc của Mỹ đã giúp cho đồng CNY đi ngang trong vùng 6,9, kết thúc tuần ở mức 6,9051 CNY/USD.
Theo nhóm phân tích của SSI Retail Research, những diễn biến của thị trường quốc tế nói trên đã giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá trong nước.
Tuần qua, sau 1 tuần tăng mạnh trước đó, tỷ giá giao dịch USD/VND tiếp tục tăng 25 đ/USD trên ngân hàng, lên mức 23.360/23.480 đ/USD (mua/bán) còn thị trường tự do duy trì khá ổn định ở mức 23.415/23.430. Tính chung cả tháng 5, tỷ giá USD/VND đã tăng 0,6% trên ngân hàng và 0,4% trên thị trường tự do trong khi USD/CNY đã tăng tới 2,53%. Tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 1,05% song Ngân hàng Nhà nước liên tục phát đi thông điệp sẵn sàng can thiệp để ổn định thị trường.
Trong một diễn biến khác, báo cáo mới đây đánh giá khả năng phá giá đồng CNY do TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả thuộc Viện nghiên cứu và đào tạo BIDV đã chỉ ra rằng, khả năng Trung Quốc phá giá đồng CNY là không lớn bởi 3 nguyên nhân bao gồm: lo ngại sự rút vốn mạnh (capital flight) như đã xảy ra trong năm 2015; Trung Quốc không muốn bị cho là thao túng tiền tệ, gây căng thăng thêm trong cuộc chiến thương mại; và Trung Quốc vẫn kiên định tiến trình quốc tế hóa đồng CNY.
Trong trung và dài hạn, tỷ giá USD/VND sẽ tùy thuộc chủ yếu vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI, giá vàng... và sự quản lý sát sao, cũng như động thái phù hợp của NHNN. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ (gồm 8 loại tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY, CNY, SGD...) trong khi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018, nên trong trường hợp đồng CNY bị mất giá thì VND cũng chịu áp lực giảm giá không nhỏ.