Áp lực rất lớn trong việc tăng vốn
Năm 2019 được dự báo là 1 năm khó khăn bởi có nhiều biến động từ thị trường thế giới cũng như nội tại của ngành ngân hàng Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, bản thân nội tại của hệ thống ngân hàng vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề chưa được giải quyết rốt ráo như, xử lý nợ xấu, quản trị rủi ro vẫn chưa đáp ứng quy định thông lệ quốc tế. Đặc biệt, vấn đề tăng vốn sẽ là áp lực rất lớn đối với các ngân hàng trong năm 2019 khi mà Thông tư 41 quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng với những yêu cầu khắt khe hơn theo chuẩn Basel 2 sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2020.
Một khó khăn nữa được chỉ ra là thời gian tới, khi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực, sức ép từ Hiệp định này đối với ngành ngân hàng sẽ tăng lên khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu, rộng hơn và cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng trong nước, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng.
Năm 2019 được dự báo là một năm có nhiều biến động, có thể ảnh hưởng đến tỷ giá, tiền tệ của Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT)
Nếu cuộc chiến này căng thẳng hơn, chắc chắn sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại. Cùng với đó, những vấn đề nội bộ trong chính trường của Mỹ có thể sẽ tác động tiêu cực đến thị trường vốn, chứng khoán của thế giới, từ đó ảnh hưởng đến Việt Nam.Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, TS. Bùi Quang Tín-Khoa Quản trị kinh doanh (Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM) cho hay, do độ mở của nền kinh tế, trong năm 2019, việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá có thể sẽ gặp nhiều thách thức và chịu ảnh hưởng từ các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới. Việc điều hành tỷ giá, lãi suất sẽ có nhiều yếu tố khó lường khi chiến tranh thương mại leo thang, chính sách thắt chặt tiền tệ của FED và nhiều Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới...
“Để đối phó với những khó khăn đã, đang và sẽ hiện hữu, thời gian tới, NHNN cần tiếp tục kiên trì điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đồng thời, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường”, TS. Bùi Quang Tín cho hay.
Góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước
Nhìn lại kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2018, nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đạt những kết quả tích cực. Theo phân tích của chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, chính sách tiền tệ có hai mục đích, một là để đóng góp vào sự phát triển kinh tế, tăng GDP. Hai là giữ sự ổn định của đồng bản tệ. Với những mục đích quan trọng đó, trong năm 2018, chính sách tiền tệ (CSTT) đã được NHNN áp dụng một cách linh hoạt, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Dẫn chứng những ví dụ cụ thể về sự linh hoạt trong điều hành CSTT, TS. Hiếu cho hay, trong năm 2018, NHNN đã giữ được sự ổn định VND, thể hiện qua việc kiểm soát lạm phát ở mức 4% và biến động tỷ giá của VND so với USD không vượt quá 3%. Đồng thời, CSTT cũng đã hỗ trợ tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng bằng cách bơm tiền cũng như hút tiền vào nhịp nhàng, giúp hệ thống ngân hàng, tài chính vận hành một cách hiệu quả.
Với sự leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, Trung Quốc đã đối phó bằng cách để cho đồng NDT mất giá so với USD. Trước tình hình đó, NHNN đã linh hoạt để cho đồng VND mất giá so với USD ở mức độ hợp lý, khoảng 3%. Bởi nếu giữ tiền đồng ở mức ổn định so với đồng USD thì sẽ gây bất lợi cho xuất khẩu, đồng thời làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Ngoài ra, thị trường tiền tệ của Việt Nam cũng chịu áp lực khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có động thái tăng lãi suất nhiều lần trong năm 2018. Mới đây nhất, vào ngày 19/12, cơ quan này tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm %. Mỗi lần tăng lãi suất như vậy đã làm tăng giá trị của những tài sản được định giá bằng đồng USD, từ đó làm tăng áp lực lên VND…
Với những diễn biến khá phức tạp như vậy, NHNN đã có biện pháp cân bằng được với dự trữ ngoại hối, điều chỉnh tỷ giá trung tâm, để tới đây, khi FED tăng lãi suất thì không tạo ra áp lực đột biến trên VND, giữ sự biến động của VND trong biên độ chấp nhận được.
“Sự linh hoạt và thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong 2018 đã góp phần giúp “sức khỏe” của ngành Ngân hàng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhờ đó, giữ ổn định lãi suất, ổn định thanh khoản thị trường, đặc biệt là ổn định tỷ giá”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Bên cạnh những nỗ lực trong điều hành CSTT, 2018 còn là một năm khá thành công trong điều hành tỷ giá của hệ thống ngân hàng. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, năm 2018, VND là một trong những đồng tiền có sức chống chọi tốt nhất trước các đợt tăng lãi suất của FED. Việt Nam cũng là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á chưa phải tăng lãi suất điều hành trong năm 2018. Đơn vị này phân tích, việc giữ cho VND không bị mất giá quá mạnh được NHNN thực hiện chủ yếu qua việc rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng, tạo sự khan hiếm VND, qua đó bảo vệ giá trị của đồng nội tệ.
Giới chuyên môn đánh giá, chính sách điều hành tiền tệ, tỷ giá năm 2018 đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế cũng như kiềm chế lạm phát. Đây cũng là tiền đề để giúp NHNN thành công hơn khi thi hành chính sách tiền tệ có thể thắt chặt vào năm 2019 với quy định tỷ lệ cho vay vốn ngắn hạn, trung và dài hạn kéo xuống 40%, hệ số rủi ro cũng giữ ở mức cao là 200%./.