Áp lực nhập khẩu lạm phát của Việt Nam là rõ ràng nhưng khó có siêu lạm phát, năm 2022 chưa có câu chuyện nào đủ lớn để giúp thị trường bứt phá mạnh

03/03/2022 15:19
Nếu như chúng ta xem xét mối tương quan giữa lạm phát và VN-Index trong 20 năm qua thì đúng là có sự biến động ngược chiều giữa 2 chỉ số này. Khi lạm phát bắt đầu xu hướng tăng thì Vnindex sẽ hình thành xu hướng giảm và ngược lại. Như vậy có thể kết luận một phần rằng lạm phát là "kẻ thù" của chứng khoán một cách tương đối, dĩ nhiên là có những độ trễ nhất định.

Giá dầu WTI đang giao dịch ở mức 113 USD/thùng, dầu Brent gần 117 USD/thùng, giá than tăng 43% trong một ngày lên 400 USD/tấn. Dưới tác động của chiến tranh Nga - Ukraine cùng sự cấm vận của Mỹ, EU và các đồng minh đã khiến giá dầu, than và nhiều loại hàng hoá tăng phi mã khiến giới đầu tư lo lắng về một viễn cảnh nhập khẩu lạm phát, từ đó khiến lãi suất tăng và ảnh hưởng đến chứng khoán Việt vốn đang được hưởng lợi 2 năm qua nhờ dòng tiền rẻ, lãi suất thấp.

Liên quan đến đến vấn đề này chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Báu, Founder & CEO của WiGroup - công ty chuyên cung cấp dữ liệu cho nhà đầu tư.

Dầu và than là nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành kinh tế. Theo ông, nếu chiến tranh kéo dài, liệu rằng thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ phải trải qua một "cơn bão lạm phát" mới mà giới đầu tư hay gọi là SIÊU LẠM PHÁT mới?

Ông Trần Ngọc Báu: Câu chuyện lạm phát cao đã diễn ra gần 1 năm nay khi các nước như Mỹ và EU phải gánh chịu mức lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua. Áp lực lạm phát phần nhiều đến từ sốc cung như việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đà tăng mạnh của giá năng lượng, phần còn lại là từ nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. Ở giai đoạn như hiện tại việc giá năng lượng tiếp tục tăng cao thì áp lực gây nên lạm phát là điều tất yếu.

Tuy nhiên, chưa có bất cứ cơ sở nào để chúng ta phải nói với nhau về siêu lạm phát toàn cầu cả.

Đầu tiên, nền kinh tế được gắn mác siêu lạm phát khi chỉ số lạm phát tăng trưởng hàng nghìn phần trăm mỗi năm và nằm ngoài tầm kiểm soát. Từ năm 1900 đến giờ, thế giới đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh nhưng lạm phát toàn cầu cao nhất vẫn chỉ ghi nhận con số 18% vào năm 1917-1918, những năm cuối cùng của thế chiến thứ nhất. Dĩ nhiên một số quốc gia sẽ vẫn có siêu lạm phát, tuy nhiên đó phần nhiều là do những vẫn đề nội tại của chính quốc gia đó.

Thứ hai là nguồn gốc của siêu lạm phát thường bắt nguồn từ yếu tố tiền tệ được tích tụ trong một thời gian dài hơn là những cú sốc cung ngắn hạn như hiện tại.

Thứ ba là những diễn biến của giá năng lượng hiện tại theo tôi là sẽ khó có khả năng duy trì tăng mạnh trong một thời gian dài. Lý do là bởi giá dầu hiện tại tăng mạnh chủ yếu do sốc cung từ Nga đến các nước EU và yếu tố tâm lý lo sợ là chủ yếu. Cú sốc này kéo dài sẽ không có lợi cho cả đôi bên, khi mà 40% lượng khí đốt tự nhiên của EU là do Nga cung cấp và hơn một nửa xuất khẩu dầu thô của Nga bán cho EU.

Thứ tư là những cú sốc cung thường diễn ra khá nhanh và xẹp cũng rất nhanh, nhiều lúc những diễn biến đầu vào này chưa kịp có những tác động đủ lớn đến chi phí của người dùng cuối.

Giới đầu tư đang lo ngại nếu giá dầu tăng lên 140 USD - 150 USD/thùng như trước đây, giá than đá và hàng loạt loại hàng hoá lập đỉnh, thế giới sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế?

Ông Trần Ngọc Báu: Theo tôi thì không có một mối liên kết rõ ràng nào giữa giá dầu tăng cao với khủng hoảng kinh tế cả. Hay nói cách khác thì giá dầu lên 140-150 USD như những năm 2007-2008 thì cũng không có sơ sở nào để kinh tế thế giới bước vào khủng hoảng.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 thì chúng ta có thể thấy nguyên nhân đến từ những nới lỏng trong quản lý thị trường tài chính chứ không phải sự gia tăng chi phí trong khu vực sản xuất. Tương tự như vậy đối với cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 97 hay Khủng hoảng nợ công Châu Âu 2010.

Cá nhân tôi cho rằng chính nền kinh tế thế giới quyết định giá dầu nhiều hơn là giá dầu chi phối nền kinh tế thế giới.

CPI tháng 2 của Việt Nam đã tăng 1%, 2 tháng đầu năm tăng gần 1,7% trong khi mục tiêu của Quốc hội năm nay là 4%. Với tình hình giá hàng hoá phi mã như hiện nay, giá xăng trong nước đạt mức cao nhất lịch sử… Việt Nam có thể kìm được lạm phát dưới 4% không, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Báu: Việc giá xăng tăng mạnh gây áp lực lên lạm phát là điều không thể tránh khỏi. Lý do là bởi ngoài việc giá xăng dầu tăng mạnh tác động ngay lập tức đến chỉ số giá giao thông thì đây còn là một nhân tố quan trọng đóng góp trong chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng như thép và điện, nơi mà hoạt động sản xuất cần rất nhiều năng lượng. Tại Việt Nam thì tổng những mặt hàng này đóng góp gần 30% trọng số của CPI. Như vậy nếu giá những mặt hàng này tăng 10% thì áp lực lên tăng trưởng CPI sẽ vào khoảng 3%, chưa kể những biến động trong giá thực phẩm và ăn uống, mặt hàng quan trọng nhất trong rổ CPI, chiếm 30% còn lại.

Tuy nhiên theo tôi lạm phát cả năm vẫn có thể kiếm soát trong vùng mục tiêu 4% của Chính phủ đề ra mặc dù lạm phát nửa đầu năm sẽ chịu áp lực nhất định.

Nếu chúng ta bóc tách kỹ, có thể thấy thực tế giá xăng của Việt Nam đã tăng từ 11,730 đồng/lít lên 26,380 đồng/lít trong giai đoạn tháng 4/2020 đến bây giờ, tức giá xăng đã tăng 125% trong vòng gần 2 năm qua. Có chăng bây giờ mọi người nhắc nhiều về xăng vì giá đã ở vùng có "cảm giác" là cao, tuy nhiên nếu tính từ đầu năm 2022 đến giờ, giá xăng mới chỉ tăng 12,8%. Nên nhớ lạm phát tính bằng tăng trưởng về giá chứ không phải là cảm giác về việc giá trị tuyệt đối của giá là cao hay thấp. Chính vì vậy nên áp lực của việc giá xăng tăng mạnh đã đè nặng lên CPI Việt Nam năm 2021 rồi.

Áp lực nhập khẩu lạm phát của Việt Nam là rõ ràng nhưng khó có siêu lạm phát, năm 2022 chưa có câu chuyện nào đủ lớn để giúp thị trường bứt phá mạnh - Ảnh 1.

Biểu đồ diễn biến giá xăng trong nước, giá dầu thế giới và lạm phát của Việt Nam

Ngoài ra Chính phủ cũng đang lên phương án giảm thuế cho xăng dầu, đây cũng sẽ là động lực giúp xăng dầu Việt Nam giảm sức ép tăng giá theo đà tăng của giá thế giới. Nếu Chính phủ đồng ý phương án giảm thuế môi trường 2 ngàn đồng/ lít xăng thì giá xăng cũng đã giảm gần 10%.

Ngoài giá xăng thì còn một nhóm hàng hoá có thể tác động mạnh đến lạm phát của Việt Nam chính là giá thực phẩm, trọng số chủ yếu là thịt. Tuy nhiên mình không thấy một mối tương quan lớn nào giữa giá thịt và chiến tranh Nga - Ukraine. Ẩn số lớn nhất đối với giá thịt ở giai đoạn này vẫn là dịch bệnh tại các vùng nuôi.

Lạm phát tăng của Việt Nam nếu có xảy ra cũng đến từ yếu tố bên ngoài tức là nhập khẩu lạm phát, còn cung tiền trong nước được NHNN kiểm soát khá chặt chẽ. Ông có thể chia sẻ thêm về yếu tố này trong bối cảnh hiện nay được không? Việt Nam sẽ ứng xử thế nào với nhập khẩu lạm phát?

Ông Trần Ngọc Báu: Tăng trưởng cung tiền của Việt Nam luôn duy trì dưới 20% và đang trong xu hướng giảm dần từ năm 2013 đến giờ. Năm 2021 khi cả thế giới bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế thì chúng ta chỉ ghi nhận tăng trưởng cung tiền tăng gần 11%, tiệm cận mốc thấp nhất trong 10 năm qua. Như vậy rõ ràng NHNN đã kiểm soát cung tiền rất chặt và yếu tố tiền tệ sẽ không gây áp lực lên lạm phát Việt Nam.

Áp lực chính lên lạm phát Việt Nam trong năm 2021 và năm 2022 phần nhiều đến từ yếu tố nhập khẩu như giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu. Bản thân NHNN lúc này sẽ không có các công cụ can thiệp tốt vào lạm phát bằng Bộ Tài chính vì vốn dĩ đây không phải lạm phát có gốc rễ từ tiền tệ hay nội tại cung cầu nền kinh tế.

Để ứng xử với nhập khẩu lạm phát ở giai đoạn hiện tại thì theo tôi có những cách sau: (1) Tập trung kéo USD vào trong nước, từ đó tạo sức ép nâng tỷ giá VND so với USD, điều này sẽ giúp giá hàng hoá nhập về rẻ hơn, đây là điều mà chúng ta đã thấy trong cả năm 2021 khi mà NHNN chủ động để VND tăng giá 2-3% so với USD. (2) Giảm thuế phí ở những mặt hàng nhập khẩu là nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu quan trọng, điều này sẽ giúp giảm áp lực tăng giá tương đối. (3) Làm tốt khâu truyền thông để giảm sự kỳ vọng lạm phát của người dân, bởi nếu người dân lo sợ lạm phát cao trong tương lai họ sẽ có xu hướng chuyển dần tài sản sang ngoại tệ hoặc vàng, điều này sẽ gây áp lực lên tỷ giá và từ đó làm tăng thêm giá hàng hoá nhập khẩu.

Áp lực lạm phát là hiện hữu, liệu có cuộc chạy đua tăng lãi suất sắp tới không? Ông dự báo như thế nào về chính sách tiền tệ sắp tới? Liệu NHNN có sớm phải tăng lãi suất để chống lại lạm phát không?

Ông Trần Ngọc Báu: Như phía trên tôi đã nói thì áp lực lạm phát là có nhưng nhiều khả năng vẫn trong vùng mục tiêu bình quân 4-5%. Với mức lạm phát này thì chưa tạo đủ sức ép để NHNN phải quan tâm đến việc thắt chặt chính sách tiền tệ, lãi suất điều hành chưa có lý do để tăng.

Về phía các ngân hàng thương mại thì 2 tháng vừa rồi chúng ta đã thấy lãi suất huy động tăng rõ nét ở toàn hệ thống, đó là hậu quả của sự chênh lệch huy động và tín dụng lớn trong nửa cuối năm 2021 và việc NHNN không bơm tiền qua kênh mua USD như giai đoạn trước đó. Tuy nhiên khoảng 1 tuần gần đây, lãi suất huy động đã đồng loạt giảm trở lại và số dư OMO cũng gần về 0, điều này chứng tỏ bản thân các ngân hàng vẫn còn lượng thanh khoản dự trữ đủ tốt, chưa phải tạo ra những cuộc đua lãi suất kéo dài.

Như vậy thì theo tôi NHNN sẽ không tăng lãi suất điều hành, các NHTM trong năm nay sẽ chịu áp lực tăng lãi suất huy động nhất định, tuy nhiên mức tăng là không quá mạnh.

Lạm phát, chạy đua lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Ngọc Báu: Nếu có lạm phát ngoài tầm kiểm soát, dĩ nhiên là lãi suất sẽ phải tăng mạnh. Tuy nhiên lạm phát theo dự kiến vẫn trong tầm mục tiêu và lãi suất sẽ chưa thể tăng mạnh trong năm nay. Vậy nên cá nhân mình cho rằng áp lực tiêu cực lên chứng khoán ở khía cạnh vĩ mô là không quá lớn.

Tuy nhiên, áp lực về yếu tố kỳ vọng thì sẽ đè nặng lên thị trường chứng khoán hơn. Khi mà dấu hiệu về việc chúng ta đã trải qua giai đoạn tiền rẻ và lãi suất siêu thấp như 2 năm qua là tương đối rõ ràng.

Nói chung nhìn về năm 2022 tôi nghĩ sẽ khó khăn hơn, tôi không thấy một câu chuyện nào đủ lớn để giúp thị trường có thể ghi nhận những con số bứt tốc ấn tượng như 2020 và 2021.

Lạm phát như một "bóng ma vô hình" ám ảnh giới đầu tư những ngày gần đây. Nhiều nhà đầu tư sợ lạm phát, siêu lạm phát vì cho đó là "kẻ thù" của chứng khoán và cho rằng nên rút tiền khỏi thị trường. Theo ông lạm phát có phải kẻ thù của chứng khoán không, nhà đầu tư nên ứng phó thế nào để lạm phát không ảnh hưởng đến túi tiền của họ?

Ông Trần Ngọc Báu: Nếu như chúng ta xem xét mối tương quan giữa lạm phát và VN-Index trong 20 năm qua thì đúng là có sự biến động ngược chiều giữa 2 chỉ số này. Khi lạm phát bắt đầu xu hướng tăng thì VN-Index sẽ hình thành xu hướng giảm và ngược lại. Như vậy có thể kết luận một phần rằng lạm phát là "kẻ thù" của chứng khoán một cách tương đối, dĩ nhiên là có những độ trễ nhất định.

Áp lực nhập khẩu lạm phát của Việt Nam là rõ ràng nhưng khó có siêu lạm phát, năm 2022 chưa có câu chuyện nào đủ lớn để giúp thị trường bứt phá mạnh - Ảnh 2.

Biểu đồ mối tương quan giữa Lạm phát và Chỉ số VN-Index

Mặt khác, lạm phát tăng là một trong hai yếu tố chi phối lớn nhất đến việc tăng lãi suất. Lãi suất lại là chi phí đầu vào của các doanh nghiệp và cũng là chỉ tiêu quan trọng trong các mô hình chiết khấu định giá của các nhà phân tích. Chính vì thế khi lãi suất tăng, ngoài việc ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn thì nó còn ngay lập tức làm giảm định giá kỳ vọng của các tổ chức tài chính vào các doanh nghiệp. Hai yếu tố này sẽ gây áp lực nhất định lên thị trường nếu như hoạt động kinh doanh có mức tăng trưởng chậm hơn tốc độ tăng của lãi suất.

Quay trở lại với Việt Nam ở thời điểm hiện tại, rõ ràng lạm phát là một trong những nguyên nhân chính đang gây áp lực lên lãi suất. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên thì lạm phát của Việt Nam sẽ trong vùng mục tiêu vậy nên sức ép từ lạm phát đến thị trường là có, nhưng việc lo sợ thị trường giảm mạnh vì lạm phát tăng mạnh ngoài tầm kiểm soát là không đáng lo ngại.

Xin cám ơn chia sẻ của ông!

https://cafef.vn/ap-luc-nhap-khau-lam-phat-cua-viet-nam-la-ro-rang-nhung-kho-co-sieu-lam-phat-nam-2022-chua-co-cau-chuyen-nao-du-lon-de-giup-thi-truong-but-pha-manh-20220303101315942.chn

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
2 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
45 phút trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
32 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
57 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
49 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Mì tôm thanh long nhận vốn triệu USD, nhà sản xuất muốn thu 2.000 tỷ đồng
22/10/2024 09:28
Mì thanh long đã tiêu thụ hơn 3 triệu gói mì sau chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”, các nhà sáng lập tham vọng thu 2.000 tỷ đồng năm 2026.
Nữ đại gia đứng sau chuỗi cafe Katinat sở hữu khối tài sản "khủng" cỡ nào?
13/09/2024 05:42
Theo tìm hiểu của PV, thành công của chuỗi Katinat có sự đóng góp không nhỏ của nữ doanh nhân Trương Nguyễn Thiên Kim - vợ Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt.
VNG bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh
07/09/2024 08:54
Sáng nay (7/9), VNG đã thông báo bổ nhiệm ông Kelly Wong - phó Tổng giám đốc VNG làm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh.
Lộ diện ông trùm đứng sau Black Myth: Wukong: Sở hữu công ty giá trị tỷ đô, lọt danh sách 30 Under 30” của Forbes
05/09/2024 08:40
Cuối cùng, nhân vật đứng sau tựa game đình đám Black Myth: Wukong cũng đã lộ diện.