Cuộc đua "hàng nghìn tỷ"
Đại hội cổ đông của các ngân hàng vừa qua đã thông qua hàng loạt đề xuất liên quan đến việc tăng vốn. Nguyên nhân chủ yếu được các ngân hàng đưa ra trình đại hội thông qua là nhằm theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng với những yêu cầu khắt khe hơn theo chuẩn Basel II sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) bình quân của hệ thống tổ chức tín dụng đã được cải thiện, đạt 11,1%, do vốn tự có tăng 12,2%, trong khi tổng tài sản có rủi ro tăng thấp hơn (khoảng 10,8%). Tuy nhiên, vẫn còn không ít ngân hàng có CAR ở mức khiêm tốn vốn tự có chưa được tăng đúng mức, trong khi nhu cầu tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế rất cao; nhất là đối với những ngân hàng thương mại có vốn nhà nước – nơi cung cấp nguồn vốn của các dự án lớn cho nền kinh tế.
Đặc biệt, việc đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn theo chuẩn Basel II còn giúp các ngân hàng được NHNN ưu tiên hạn mức tín dụng cao hơn. Hiện hạn mức tín dụng chung toàn ngành được NHNN đưa ra cho năm 2019 là khoảng 14%, các ngân hàng thương mại nếu chưa theo chuẩn Basel II cũng chỉ được tăng trưởng tín dụng quanh ngưỡng này. Tuy nhiên, vừa qua, nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại đã tỏ rõ mong muốn được nới tăng trưởng tín dụng lên trên dưới 20%, trong điều kiện đáp ứng tốt các quy định về tỷ lệ CAR và theo chuẩn Basel II.
Do vậy, nhiều ngân hàng đã công bố các phương án để tăng mạnh vốn điều lệ. Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ĐHCĐ đã nhất trí phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, đảm bảo mục tiêu tăng vốn từ 8.566 tỷ đồng lên 10.070 tỷ đồng, tương đương tăng 18%. Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng quyết định tăng vốn điều lệ lên mức trên 35.065 tỷ đồng thông qua việc phát hành 10 triệu cổ phần ESOP (cổ phần phát hành cho người lao động tại Techcombank) với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phần. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng tăng vốn từ hơn 12.000 tỷ đồng lên trên 17.500 tỷ đồng; nguyên nhân được lãnh đạo HĐQT SHB đưa ra là để đáp ứng chuẩn Basel II và cần vốn cho việc kinh doanh, phát triển các công ty tài chính cũng như công ty con…
Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.000 lên 5.000 tỷ đồng, tương đương 33%, bằng phương thức chào bán 500 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu sở hữu từ 0,5% vốn điều lệ trở lên, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ năm 2019 từ chia cổ tức bằng phát hành hơn 374 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối lợi nhuận năm 2018 với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện quyền là 30%. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ đạt hơn 16,627 tỷ đồng, tăng tới 29% so với năm 2018.
Khó cho các "ông lớn"
Theo thống kê của NHNN, trong quý I/2019, tổng tài sản của toàn hệ thống tăng 0,57%, vốn điều lệ tăng 0,16%, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt 11,57%. Đặc biệt, lợi nhuận quý I của các ngân hàng thương mại cũng đang rất khả quan, thanh khoản duy trì ở trạng thái tốt. Theo kết quả điều tra của NHNN, hầu hết ngân hàng đều kỳ vọng kết quả kinh doanh quý tới và cả năm sẽ tăng trưởng tốt hơn so với năm trước. Điều này được đánh giá sẽ tạo thuận lợi cho lộ trình tăng vốn của các ngân hàng.
Tuy nhiên, những thuận lợi trên hầu hết được nói đến là dành cho các ngân hàng thương mại. Đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước, "cửa" tăng vốn vẫn khá hẹp. Hiện mới chỉ có Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng được vốn bằng cách bán cho nhà đầu tư nước ngoài vào cuối năm 2018. Còn tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thương vụ bán 17,65% vốn cho nhà đầu tư KEB Hana Bank - tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc vẫn ở mức "đang hoàn thành thủ tục". Lãnh đạo BIDV lý giải, nguyên nhân do còn có một số rào cản kỹ thuật và giá kỳ vọng chưa gặp nhau. Điều này cũng còn tùy thuộc vào thị trường, vào thiện chí nhà đầu tư cũng như quy định của Việt Nam. Vì thế, BIDV hy vọng các cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện tối đa để có thể sớm kết thúc giao dịch.
Khó khăn nhất về việc tăng vốn trong nhóm "Big 4" ngân hàng là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Hiện tỷ lệ CAR của ngân hàng này đã giảm sát ngưỡng tối thiểu nhưng từ năm 2013 lại không được tăng vốn. Do vậy, tăng trưởng tín dụng trong quý I của VietinBank đã xuống âm 0,44%, quý thứ 2 ngân hàng này phải giảm mức tín dụng. Vì thế, Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Lê Đức Thọ cho biết, năm 2019, kế hoạch tăng vốn tự có của ngân hàng là nội dung rất cấp bách nên đang được trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, 2 phương án đưa ra là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (tương đương 2.990 tỷ đồng) và để lại toàn bộ lợi nhuận (gần 2.997 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ.
Mới đây, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng ghi nhận khó khăn trong việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại nhà nước, bởi 4 ngân hàng thương mại nhà nước này có mức tăng trưởng tín dụng khá nhanh, khoảng 16%. Vị này cho biết, NHNN đang đề xuất phải sử dụng ngay nguồn cổ tức của các ngân hàng thương mại năm 2018 để tăng vốn điều lệ, thay vì nộp ngân sách; điều này sẽ giúp hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này tăng lên.
Nhìn chung, "bức tranh" tăng vốn của ngành ngân hàng vẫn khá sáng, nhất là trong điều kiện toàn ngành có nhiều bước phát triển vượt bậc, bền vững. Tuy vậy, việc lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống bằng việc tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn cần được quan tâm nhiều hơn nữa, cũng như đưa ra những giải pháp mang tính thị trường hơn.