Cơ sở để thu hộ thuế
Cụ thể, theo qui định tại Điều 6, Khoản 1, điểm c: “Cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh với tổ chức, tài sản tham gia hợp tác kinh doanh thuộc sở hữu của cá nhân, không xác định được doanh thu kinh doanh thì cá nhân ủy quyền cho tổ chức khai thuế và nộp thuế thay theo phương pháp khoán. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán tại cơ quan thuế quản lý tổ chức”.
Việc thu hộ các khoản thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân đối với các đối tác tài xế GrabBike còn được cơ quan thuế hướng dẫn tại các công văn số 384/TCT-TNCN ngày 8.2.2017, số 1531/TCT-TNCN ngày 2.4.2017 của Tổng cục Thuế; công văn số 5729/CT-TTHT ngày 19.6.2017, số 357/CT-TTHT ngày 11.1.2018 của Cục Thuế TP.HCM.
Theo đó, mức thu các loại thuế trên được áp dụng đối với các tài xế GrabBike thuộc diện cá nhân kinh doanh (còn gọi là thuế khoán) tính theo tỉ lệ phần trăm (%) trên doanh thu. Cụ thể, mức thuế giá trị gia tăng là 3% doanh thu, mức thuế thu nhập cá nhân là 1,5% trên doanh thu và đối với tiền thưởng là 1%.
Sự hiểu lầm được giải tỏa
Tại buổi trao đổi, giải đáp thắc mắc về nghĩa vụ thuế năm 2019 dành cho đối tác Grab 2 bánh vào ngày 6.9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thiện – Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM – xác nhận:
“Chúng tôi khẳng định với các anh chị là Grab được cơ quan thuế hướng dẫn từ trước đến nay hoàn toàn theo qui định chứ chúng ta không làm gì sai với qui định cả. Tuy nhiên, có nhiều điểm chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tế thì nhiệm vụ của chúng tôi hôm nay là lắng nghe và ghi nhận tất cả các ý kiến của anh chị, sau đó kiến nghị với cơ quan cấp trên để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn”.
Ông Nguyễn Văn Thiện - Trưởng phòng Tuyền truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM - trả lời và giải đáp các thắc mắc (ảnh TL).
Phát biểu tại buổi trao đổi, anh Phạm Mi Sên – đối tác tài xế GrabBike – cho rằng: “Việc chúng ta nộp thuế từ năm ngoái đến năm nay là theo quy định. Nhưng vì bất hợp lý thì chúng ta phải kiến nghị đến chừng nào có kết quả thì thôi”. Có ý kiến tương tự, một tài xế GrabBike khác là anh Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng: “Mức thu 4,5% là theo qui định nhưng so với thực tế là bất hợp lí nên chúng tôi kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi”.
Theo phía Grab, việc thu hộ thuế là trách nhiệm phải thực hiện theo qui định. Grab chỉ kê khai nộp thuế đối với các đối tác tài xế GrabBike có mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên hoặc 8,3 triệu đồng/tháng trở lên sau khi đã trừ chiết khấu 20%. Việc tuân thủ chính sách thuế này tính đến kỳ tháng 5.2019 đã đóng tổng cộng hơn 947 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách Nhà nước trong 5 năm qua.
Anh Phạm Mi Sên - tài xế GrabBike - nêu ý kiến tại buổi trao đổi (ảnh: TL).
Tuy nhiên, việc thu hộ thuế của Grab thời gian qua cũng chịu không ít “điều tiếng” vì sự hiểu lầm. Cuộc trao đổi chính thức ngày 6.9.2019 với sự tham dự của đại diện Cục Thuế TP.HCM đã giúp các tài xế GrabBike hiểu đúng bản chất vấn đề, góp phần giải tỏa sự hiểu lầm đó.
Cũng theo phía Grab, thay vì thu hộ thuế một lần 4,5 triệu đồng đối với các đối tác tài xế GrabBike có thu nhập ở mức phải đóng thuế, công ty này đã khảo sát lấy ý kiến và trên 50% đồng ý khấu trừ và cho Grab thu hộ mỗi ngày 60.000 đồng cho đến khi đủ số thuế cần nộp thay vì thu một lần 4,5 triệu đồng.
Bên cạnh việc thu hộ thuế tuân thủ qui định, phía Grab cũng nhiều lần đề xuất, kiến nghị cơ quan thuế để có mức thu thuế phù hợp hơn đối với các tài xế GrabBike, như tính đến các khoản giảm trừ gia cảnh và khấu trừ các chi phí hợp lí (khấu hao xe, xăng nhớt, Internet, điện thoại.v.v…).