Xuất khẩu đang là điểm sáng của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2022, trong đó ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt.
Kết quả xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 28 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Sau 6 tháng, ngành nông nghiệp đã mang về thặng dự thương mại khoảng 5,75 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, và ghi nhận 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.
Dù đạt nhiều kết quả ấn tượng, song các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, như: lạm phát tăng cao, ảnh hưởng chiến sự Nga - Ukraine... khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh; tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất… đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành hàng hóa.
Và còn có một vấn đề trong nước mà những ngưởi trong cuộc cho rằng còn chưa hợp lý lâu nay.
Mức thuế áp lên các sản phẩm gỗ chưa sát thực tế, làm giảm tính cạnh tranh và nguy cơ mất thị trường
Tại tọa đàm "Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm thủy sản" do báo Hải quan vừa tổ chức, ông Huỳnh Quang Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phụ trách phía Nam đặt vấn đề: Để nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm gỗ xuất khẩu, các cơ quan thuế cần gỡ vướng hai điểm đang tồn tại.
Thứ nhất, gỗ viên nén đen xuất khẩu là sản phẩm được các doanh nghiệp áp dụng công nghệ ép nén các mùn cưa, dăm bào để làm viên nén gỗ xuất khẩu. Hoạt động này không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho lực lượng lao động mà còn mang một lượng lớn ngoại tệ về cho đất nước.
Tuy nhiên, nếu gọi tên là "viên nén bình thường" thì áp mã số thuế là 4401.31.00 với thuế suất là 0%, nhưng với viên nén đen xuất khẩu (viên nén thông thường được doanh nghiệp gia nhiệt bề mặt để trở thành viên đen có công dụng bền hơn và khi dùng làm vật liệu đốt thì sẽ lâu hơn và tỏa nhiệt nhiều hơn), thì bị áp mã số thuế 4402.90.90.90 và thuế suất là 5%.
Ông Huỳnh Quang Thanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phụ trách phía Nam
"Theo tôi về mặt chế biến công đoạn thì gỗ viên nén đen phải làm nhiều công đoạn hơn loại gỗ viên nén thông thường vì vậy phải được hưởng mức thuế là 0%, nhưng lại bị áp thuế 5% là một điều rất vô lý. Tôi đề nghị Tổng cục Hải quan xem lại tính hợp lý của vấn đề này", ông Huỳnh Quang Thanh nói.
Thứ hai, tương tự như gỗ viên nén đen đối với gỗ ghép hình trụ xuất khẩu đang bị đánh thuế 25%.
Sản phẩm này được làm từ nhiều miếng gỗ ghép lại, và sản phẩm được gọi là gỗ ghép thanh xuất khẩu được áp mã số thuế 4407 với thuế suất 0%. Nhưng với gỗ ghép hình trụ công đoạn phải làm nhiều hơn gỗ ghép thanh đáng ra là phải được giảm thuế nhưng lại đánh thuế đến 25%.
"Đây là mức thuế quá cao, nếu không được xem xét kỹ để chỉnh lại mức thuế sẽ xảy ra một hệ lụy một là đánh mất thị trường, vì sản phẩm này nếu phải cộng thêm 25% tiền thuế thì sẽ không có khách hàng nào đồng ý mua, và thị trường gỗ ghép hình trụ sẽ bị mất cho đối thủ khác, nhất là các nước trong khu vực ASEAN.
Ngoài ra, nếu vấn đề này không được giải quyết các doanh nghiệp vẫn bị áp dụng mức thuế 25%, thì sau này sẽ có nhiều doanh nghiệp bị truy thu thuế và chắc chắn họ sẽ bị phá sản ngay lập tức vì con số 25% mức thuế vô cùng lớn đối với họ. Do vậy, đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét câu chuyện này một cách nghiêm túc để thấy tính hợp lý của vấn đề", Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phụ trách phía Nam nhấn mạnh.
Còn theo ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group thì việc xin cấp C/O form B áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu sang các quốc gia và cấp theo quy định xuất xứ không có ưu đãi, và Phúc Sinh đang xuất khẩu hạt điều chủ yếu qua hệ thống C/O form B, nhưng để xin được C/O form B cần đáp ứng ba tiêu chí, như vậy là quá rườm rà và làm mất thời gian của doanh nghiệp. Bộ phận xin C/O form B của công ty đang gặp khó khăn khi làm hồ sơ xin cấp.
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Phúc Sinh Group
"Đó là một trong những khó khăn điển hình mà chúng tôi gặp phải và nhiều thách thức khác khi cơ quan Hải quan vào kiểm tra. Nếu muốn biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất chế biến nông sản lớn của thế giới, tôi nghĩ các cơ chế, chính sách, những ưu đãi gì doanh nghiệp được hưởng cần phải nói rõ hơn để doanh nghiệp còn biết mà áp dụng được, bởi vì hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin C/O from B", Tổng giám đốc Phúc Sinh Group nhấn mạnh.
Các vướng mắc sẽ được cơ quan thẩm quyền xem xét và giải quyết?
Đối với vấn đề của Công ty Phúc Sinh, ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan thuộc Tổng cục Hải quan cho biết, việc thay đổi về mã số HS sẽ dẫn đến thay đổi về thuế suất, vướng mắc của doanh nghiệp có liên quan đến công tác về kiểm định hải quan cũng như phân loại mã số HS thuộc bộ phận xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, về cơ chế Tổng cục Hải quan đã áp dụng cơ chế phân loại trước tức là cho phép doanh nghiệp trước khi làm thủ tục hải quan được gửi mẫu và hồ sơ trước để thực hiện xác định trước về mã số hàng hóa.
"Do vậy, trường hợp của công ty Phúc Sinh tôi đề xuất 2 giải pháp để được lựa chọn", ông Tám nói.
Thứ nhất, đối với việc làm tờ khai xuất khẩu có thể gửi hồ sơ kiến nghị những phản ảnh vướng mắc đến Tổng cục Hải quan, Cục thuế xuất nhập khẩu để các nơi này chịu trách nhiệm tham mưu và yêu cầu Chi cục hải quan địa phương báo cáo toàn bộ hồ sơ vụ việc xem xét và giải quyết cụ thể.
Thứ hai, công ty có thể gửi mẫu trực tiếp tới Tổng cục Hải quan để thực hiện phân tích trước và có hướng dẫn xử lý vụ việc. Sau khi có thông báo kết luận chính thức của Tổng cục Hải quan về việc phân loại mã số thuế đối với mặt hàng này, nếu mã số có sự chênh lệch và nếu bên hải quan sai dẫn tới mã số không đúng và dẫn đến số tiền của doanh nghiệp phải nộp nhiều hơn so với thực tế thì sẽ được hoàn trả lại số tiền thuế đã nộp, và sau đó sẽ thống nhất áp dụng một mã số và một mức thuế theo đúng quy định của Tổng cục Hải quan.