Sắp tới, thuế tự vệ phân bón có thể sẽ tạo sóng với cổ phiếu ngành này (Ảnh: Q.H)
Cụ thể, mức thuế tự vệ chính thức bằng với mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán tại điểm hòa vốn của ngành sản xuất trong nước là 1.128.531 đồng/tấn. Mức thuế này chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của WTO và pháp luật Việt Nam. Theo quy định, WTO cho phép áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm nhưng Bộ Công thương quyết định chỉ áp dụng trong thời gian 2 năm.
Sau 2 năm, Bộ Công thương sẽ xem xét, đánh giá lại tác động kinh tế - xã hội để quyết định có gia hạn biện pháp tự vệ hay không. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ NN&PTNT, trước mắt thì mức thuế này có thể sẽ làm chi phí trồng trọt tăng thêm nhưng tối đa sẽ không quá 0,72%.
Ngay sau khi Bộ Công thương chính thức áp dụng biện pháp tự vệ này, một loạt các mã cổ phiếu phân bón trên thị trường đã tăng điểm tích cực hoặc đảo chiều tăng từ xu hướng giảm trước đó với khối lượng giao dịch cũng gia tăng đáng kể.
Cụ thể, trường hợp cổ phiếu DCM của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, trong phiên giao dịch hôm nay đã tăng 200 đồng/CP (+1,5%), lên mức giá 13.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 2,7 triệu cổ phiếu. Đây cũng là phiên giao dịch thứ 5 liên tiếp cổ phiếu DCM tăng điểm.
Tương tự, cổ phiếu BFC của phân bón Đầu Trâu hôm nay cũng tăng nhẹ lên mức giá 34.600 đồng/CP. Đây cũng là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu BFC sau kết quả kinh doanh tích cực của năm 2017 mới được công bố mới đây. Theo đó, doanh thu cả năm 2017 của BFC đạt hơn 6.300 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2016. Lượng phân bón tiêu thụ trong năm đạt 164.231 tấn. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt trên 350 tỷ đồng, xấp xỉ bằng cùng kỳ và vượt 24,2% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Tính đến hết năm 2017, BFC còn gần 2.100 tỷ đồng giá trị hàng tồn kho, tăng 536 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong khi đó, cổ phiếu SFG cũng tăng nhẹ khoảng 0,4% lên mức 12.800 đồng/CP. Dù mức tăng này là không đáng kể nhưng trên thực tế đà tăng này đã chặn đứng xu hướng giảm mạnh của cổ phiếu SFG thời gian vừa qua khi liên tục “đỏ sàn” hoặc đứng giá.
Cá biệt, cổ phiếu QBS của XNK Quảng Bình - đơn vị nắm giữ gần 20% cổ phần DDV của DAP (Vinachem) hôm nay tăng trần lên 6.480 đồng/CP (+6,4%) với khối lượng khớp lệnh đạt 736.450 cổ phiếu, gấp 6-7 lần khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên. Đây cũng là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp của cổ phiếu QBS.
Theo đánh giá của một chuyên gia đến từ Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC), hiệu ứng tích cực từ việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam nhanh chóng được phản ánh qua biến động giá các doanh nghiệp ngành phân bón đang niêm yết trên sàn chứng khoán chiều nay bởi vì nhà đầu tư kỳ vọng rằng nếu biện pháp bảo hộ được áp dụng thì sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội để gia tăng lợi nhuận.
“Thực tế, câu chuyện giá cổ phiếu được hưởng lợi từ chính sách không phải là mới bởi trước đó Bộ Công Thương cũng áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước/vùng lãnh thổ khác nhau (Quyết định 2968/QĐ-BCT), chính quyết định này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đà tăng mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu thép trong năm 2016 như HSG, NKG, HPG... Thế nên việc áp dụng thuế tự vệ lần này với mặt hàng phân bón có thể sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu nhóm này tăng lên và tạo sóng trong thời gian tới”, chuyên gia này dự đoán.