Trong báo cáo Trách nhiệm Môi trường 2018 (Environmental Responsibility Report), 3 mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường được Apple đưa ra là: giảm biến đổi khí hậu, tiết kiệm tài nguyên và sử dụng nguyên vật liệu an toàn.
Apple cho biết, hệ thống pin mặt trời của họ ở Trung Quốc được xây dựng ở độ cao đủ để ánh sáng mặt trời vẫn có thể chiếu xuống đất và làm cho cỏ mọc, gia súc vẫn có thể đi lại tự nhiên và ăn cỏ. Trong năm tài chính 2017, Apple đã tạo ra 53.800 tấn chất thải, trong đó 71% được tái chế và ủ để làm phân bón.
Hiện nay, 100% các hoạt động của Apple tại văn phòng, cửa hàng bán lẻ tại 43 quốc gia trên toàn thế giời đều sử dụng năng lượng sạch. Lượng năng lượng tái tạo mà Apple sản xuất ra không những đủ để cung cấp cho tất cả các hoạt động của họ mà còn bán cho các doanh nghiệp khác, để hướng tới ngành công nghiệp xanh hơn.
Apple Park được vận hành bởi năng lượng tái tạo từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm một hệ thống năng lượng mặt trời trên sân thượng 17 megawatt và 4 megawatt nhiên liệu khí sinh học tế bào. Trụ sở mới của Apple còn cung cấp năng lượng sạch vào lưới điện công cộng thông qua việc sử dụng bộ lưu trữ pin và microgrid.
Apple chia sẻ với người dùng: "Mỗi khi bạn gửi iMessage, hay thực hiện một cuộc gọi FaceTime, hỏi Siri một câu hỏi, phát một bài hát hoặc chia sẻ một bức ảnh, hành động của bạn đều tiêu tốn năng lượng. Tuy nhiên, những thao tác đó của bạn được xử lý bởi các máy chủ dữ liệu của chúng tôi, hoạt động 100% bởi năng lượng gió, mặt trời, thủy điện sạch hoặc năng lượng pin nhiên liệu sinh học."
Tổng cộng, Apple đã giảm mức tiêu thụ năng lượng trong năm tài chính 2017 xuống 14,7 triệu Kwh. Nhờ các biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng đã thực hiện từ năm 2011, hiện họ đang tích lũy được 70 triệu Kwh điện và hơn 2,4 triệu nhiệt khí đốt tự nhiên mỗi năm.
Thậm chí, nhân viên của Apple còn được trợ cấp 100 USD mỗi tháng để đi xe bus nhằm giảm khí thải ra môi trường. Ở Thung lũng Santa Clara, nhân viên Apple di chuyển bằng xe 2.000 xe đạp điện và hơn 700 cổng sạc điện cho phương tiện này đã được xây dựng trong khuôn viên làm việc.
Để tiết kiệm các nguyên vật liệu từ điện thoại cũ, Apple đã sản xuất ra một mẫu robot, tên là Daisy. Daisy có khả năng nhận biết từng loại iPhone khác nhau và sắp xếp chúng phục vụ cho việc tái chế. Daisy là cách sáng tạo và hiệu quả nhất để thu hồi lại nhiều vật liệu có giá trị trong iPhone cũ.
Hiện tại kỹ thuật nghiền nhỏ chỉ phục hồi được một vài loại vật liệu và thường làm giảm chất lượng của chúng. Daisy có thể tách rời tới 200 thiết bị iPhone mỗi giờ, loại bỏ và phân loại các thành phần, vì vậy có thể phục hồi vật liệu với chất lượng cao hơn.
Thành công của chương trình tái chế phụ thuộc một phần vào việc khách hàng trả lại các thiết bị cũ của họ cho Apple, vì vậy Apple tổ chức Apple GiveBack để giúp khách hàng làm điều đó dễ dàng hơn.
Đến năm 2020, Apple và các nhà cung cấp của họ đặt mục tiêu sẽ tạo ra 4 gigawatt năng lượng sạch trong chuỗi cung ứng, giảm 2,6 triệu tấn khí thải nhà kính, tiếp tục đổi mới để mở rộng việc sử dụng năng lượng sạch, tiếp thị và đầu tư vào kho lưu trữ năng lượng tái tạo: "Chúng tôi đang tạo ra nhiều giá trị hơn nhưng tiêu tốn ít nguồn lực hơn."