Smartphone là thiết bị mà chúng ta sử dụng hàng ngày và ở nhiều nơi, do đó cũng có khả năng rất cao là một ngày nào đó bạn sẽ làm rơi máy xuống nước. Dù hầu hết các smartphone cao cấp ngày nay đều có khả năng kháng nước, nhưng những bộ phận hở như cổng USB vẫn có thể bị chất lỏng bám vào.
Và một trong những "mẹo" mà nhiều người thường nghĩ đến khi điện thoại nói riêng hay thiết bị điện tử nói chung bị vô nước, đó chính là bỏ vào thùng gạo với niềm tin rằng gạo sẽ hút hết chất ẩm ra. Tuy nhiên, điều này hóa ra lại có thể gây hại cho chiếc điện thoại của bạn, theo Apple.
Kể từ iPhone XS trở lên, nếu iPhone của bạn bị ướt, một tính năng sẽ gửi cảnh báo rằng điện thoại của bạn có chất lỏng trong đầu nối và đừng sạc pin ngay lúc đó. Để bảo vệ iPhone và phụ kiện, chức năng sạc và kết nối phụ kiện sẽ không khả dụng cho đến khi đầu nối, đầu cáp và phụ kiện khô.
Bạn có thể thấy một trong những cảnh báo sau:
- "Chức năng sạc không có sẵn": Cảnh báo này xuất hiện nếu bạn kết nối một phụ kiện Lightning với iPhone nhưng không sạc được iPhone và thiết bị phát hiện có chất lỏng.
- "Đã phát hiện chất lỏng trong đầu nối USB-C": Cảnh báo này xuất hiện nếu bạn kết nối phụ kiện USB-C với iPhone và thiết bị phát hiện có chất lỏng.
Tin vào các "mẹo", bạn có thể muốn đặt điện thoại của mình vào thùng hay túi gạo, nhưng trên trang hỗ trợ của mình, Apple đã cảnh báo người dùng: "Đừng đặt iPhone của bạn vào túi gạo. Các hạt gạo nhỏ có thể làm hỏng iPhone ."
Cảnh báo được đăng tải trên trang hỗ trợ của Apple
Apple cũng nói thêm rằng: "Không làm khô iPhone của bạn bằng nguồn nhiệt bên ngoài hoặc khí nén. Không nhét vật lạ, chẳng hạn như tăm bông hoặc khăn giấy, vào đầu nối".
Như vậy, chính Apple cũng đã bác bỏ một trong những mẹo lâu đời nhất được lan truyền khi điện thoại bị ướt. Thay vì bỏ vào thùng gạo, Apple gợi ý người dùng vỗ nhẹ iPhone vào tay rồi úp xuống để loại bỏ chất lỏng và nên đặt iPhone ở nơi khô ráo thoáng khí. Bạn có thể thử sạc lại sau 30 phút để xem còn cảnh báo chất lỏng hay không. Trong một số trường hợp có thể mất đến 24 giờ để chất lỏng biến mất hoàn toàn.