Trong quý cuối cùng của năm 2017, các nhà thiết kế iMac, iPad đã bán được 8 triệu đồng hồ, nhiều hơn so với doanh số 6,8 triệu được bán bởi Thụy Sĩ, quốc gia với truyền thống làm đồng hồ, và là nơi đặt trụ sở của các công ty chế tác đồng hồ nổi tiếng như Tag Heuer, Rolex và Breitling.
Doanh số iWatch được thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự ra mắt của Apple Watch đời thứ 3, và có thể đánh dấu một điểm bùng phát khi người mua bắt đầu yêu thích những chiếc đồng hồ thông mình – có thể thực hiện các cuộc gọi, xác định vị trí GPS và phát nhạc – hơn những chiếc đồng hồ truyền thống chỉ để xác định thời gian đơn thuần.
Nhưng với việc Thụy Sĩ vận chuyển 24 triệu đồng hồ đi khắp nơi trên thế giới trong năm 2017, so với con số chỉ 18 triệu của Apple, vẫn chưa thể nói chắc được rằng các nhà sản xuất đồng hồ truyền thống đang mất đi vị thế của mình.
Tuy nhiên, Apple không phải là gã khổng lồ công nghệ đầu tiên có doanh số vượt cả một quốc gia. Trên thực tế, các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới đang vượt trội so với các quốc gia về mặt doanh thu.
Nghiên cứu từ tổ chức NGO Global Justice Now cho thấy 69 trong top 100 tổ chức kinh tế toàn cầu là các công ty tư nhân, top 10 công ty lớn nhất kiếm nhiều tiền hơn so với hầu hết các quốc gia trên thế giới cộng lại.
Nếu được coi là một quốc gia thì Walmart sẽ có doanh thu đứng thứ 10 trên thế giới
Theo số liệu năm 2016, các công ty bao gồm Walmart, Royal Dutch Shell và Volkswagen chỉ chịu thua kém các quốc gia giàu có nhất trên thế giới, trong khi đó, Toyota kiếm nhiều tiền hơn Ấn Độ, BP xếp trên cả Na Uy và Nga, và dầu mỏ của UAE không thể giúp đất nước này xếp trên Hiệp hội thế chấp liên bang của Mỹ.
Cũng cần phải nói thêm rằng số liệu trên được tính theo doanh thu, chứ không phải GDP. Ví dụ, doanh thu năm 2016 của chính phủ Nga là 216 tỷ USD, nhưng GDP của quốc gia này là hơn 1,3 nghìn tỷ USD, con số khiến đất nước này bỏ xa bất kỳ công ty lớn nào.