Cơ cấu doanh thu Apple thay đổi mạnh sau một năm vừa qua.
Chỉ trong một năm, doanh thu từ iPhone đã giảm từ 61% xuống còn 53,5%. Trước đó vào Q1/2018, doanh thu từ iPhone chiếm tới 69% doanh thu của hãng. Trong khi đó, mảng dịch vụ, bao gồm mọi thứ từ bán ứng dụng, Apple Music cho đến lưu trữ iCloud cùng tất cả các sản phẩm được mua qua iTunes, đã tăng từ 16,1% lên 19,7% chỉ trong một năm. Có thể nói hiện tại, gần một phần năm doanh thu Apple đang đến từ mảng dịch vụ.
"Trong khi doanh số phần cứng của iPhone thấp hơn so với trước đây, cơ sở người dùng iOS tiếp tục phát triển và Apple hiện kiếm tiền từ phần lớn phần mềm trên nền tảng này", theo chuyên gia phân tích tài chính Avi Greengart của Techsponential. "Lợi nhuận từ các dịch vụ này là trên 60% và Apple sẽ triển khai thêm nhiều dịch vụ mới vào cuối năm nay".
"Dịch vụ không phải là một sự phiền nhiễu, chúng là một phần mở rộng tự nhiên của hệ sinh thái phần cứng và phần mềm tích hợp mà Apple đã xây dựng. Và chúng đang thúc đẩy giá trị thực sự của doanh nghiệp", Gene Munster, đối tác quản lý của công ty đầu tư mạo hiểm Loup Ventures nói.
Các dịch vụ mới này bao gồm Apple TV +, thứ sẽ cố gắng cạnh tranh với Netflix, Hulu và Amazon vào mùa thu năm nay với các chương trình gốc cao cấp cùng sự cộng tác của những nhân vật có tiếng tăm như Steven Spielberg, Oprah và J.J. Abrams. Cùng với đó, Apple sẽ tung ra Apple Arcade, dịch vụ đăng ký chơi game cao cấp và thậm chí là thẻ tín dụng có tên Apple Card, dự kiến phát hành sớm hơn trong mùa hè này.
Apple đang phát triển mạnh và mở rộng thêm dịch vụ của mình.
Ramon Llamas, giám đốc nghiên cứu của IDC cho biết Apple đã dần dần biến mình từ một công ty tập trung vào phần cứng và phần mềm thành công ty sở hữu bộ ba phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Việc chuyển đổi này là tốt và nó mang lại cho công ty những giá trị mới từ tập khách hàng cũ nhờ chính các dịch vụ mà họ sẽ triển khai.
Trong khi đó, các sản phẩm phần cứng khác cũng đang tăng mạnh bao gồm cả thiết bị đeo, đặc biệt là Apple Watch và AirPods. Tim Cook thậm chí đã phải gọi sự tăng trưởng này là "một hiện tượng văn hóa", trong cuộc họp của Apple với các nhà đầu tư hôm 30/4 vừa qua. iPad cũng chứng kiến sự tăng trưởng tốt về doanh số, nhờ một phần lớn vào việc ra mắt các model giá rẻ như iPad 9,7 inch. iPad mini và iPad Air mới có thể sẽ tiếp tục giúp công ty giữ vững đà tăng trưởng này, do rẻ hơn iPad Pro.
Tất cả những điều trên cho thấy rằng Apple không phải là một công ty với một sản phẩm.
Apple không còn là một nhà sản xuất smartphone.
"Điều quan trọng hơn mà tôi nghĩ tới là đối với các phân khúc như thiết bị đeo tay và iPad, Apple đã chứng kiến sự tăng trưởng từ người dùng mới", theo Cameron Milanesi, nhà phân tích của Creative Strategies. "Điều đó có nghĩa là từ góc độ dịch vụ tổng thể, cơ sở cài đặt hay cụ thể là thiết bị gốc như iPhone không phát triển".
Tất nhiên, iPhone vẫn là phương tiện chính để truy cập các dịch vụ của Apple. Vì vậy, công ty sẽ không thể chấp nhận việc để doanh số mặt hàng này sụt giảm liên tục. So với cùng kỳ năm ngoái, quý vừa qua công ty kiếm được ít hơn 6 tỷ USD từ doanh số bán iPhone. Một phần nguyên nhân được cho là bởi người dùng đang có thói quen giữ điện thoại của họ lâu hơn trước khi nâng cấp. Một lý do khác vì những chiếc iPhone gần đây không cung cấp đủ các tính năng mới để khiến người dùng phải thay đổi thiết bị.
Theo Counterpoint Research, doanh số điện thoại thông minh toàn cầu đã giảm 5% trong quý 1 năm 2019, khiến đây là quý thứ sáu liên tiếp các lô hàng này giảm. Vì vậy, toàn bộ ngành công nghiệp smartphone đang phải đối mặt với những khó khăn giống như Apple với iPhone. Tuy nhiên, Apple còn phải chịu thêm áp lực vô hình từ những kẻ bám đuổi, điển hình là Huawei. Gã khổng lồ đến từ Trung Quốc vừa vượt lên trên Apple về doanh số điện thoại thông minh, để chiếm vị trí số 2 toàn cầu sau Samsung.
Trong cuộc chạy đua về công nghệ, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang giới thiệu các tính năng mới trước Samsung và Apple. Ví dụ như camera kết hợp kính tiềm vọng trên Huawei P30 Pro. Những cải tiến khác bao gồm máy ảnh pop-up của Vivo và Oppo, sạc siêu nhanh của Huawei và Oppo và sạc ngược trên Huawei Mate 20 và cả P30 Pro.
"Điều mà Huawei không có, cũng như bất kỳ công ty nào khác có khi so sánh với Apple đó là mối quan hệ chặt chẽ giữa phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Điều đó đã tạo ra sự trung thành rất lớn với người dùng", Gene Munster cho biết. Theo ông, hệ sinh thái của các thiết bị và phần mềm của Apple rất gắn bó và ngày càng trở nên quan trọng đối với cuộc sống của hàng tỷ người.
Tim Cook gọi sự tăng trưởng của thiết bị đeo là "một hiện tượng văn hóa".
Nhiều chuyên gia cho biết họ sẽ không ngạc nhiên nếu Apple dựa vào các thiết kế sản phẩm để chuyển đổi dịch vụ của mình. Ví dụ như Airpods trong tương lai có thể có kết nối 5G để truyền phát Apple Music mà không cần điện thoại. Hay dự án kính AR được đồn đại của công ty có thể cho phép người dùng thanh toán cho các mặt hàng bằng Apple Card chỉ bằng cách nhìn chằm chằm vào đầu đọc thẻ. Tất nhiên, iPhone và iPad trong tương lai cũng có thể gây ấn tượng với màn hình microLED để trải nghiệm xem các chương trình trên Apple TV + trông tuyệt vời hơn nữa.
Trên thực tế đây không phải là sự khác biệt so với chiến lược trước đây của Apple. Bởi nó luôn xoay quanh việc tạo ra một hệ sinh thái bền chắc đến mức người dùng sẽ không muốn rời đi. Sự thay đổi, có chăng chỉ là cách các phần mềm và dịch vụ được sử dụng.
"Apple chưa bao giờ là một công ty iPhone. Nó luôn là một công ty với nền tảng gốc là phần mềm, kiếm tiền dựa trên nền tảng phần cứng", theo Greengart.
Tham khảo TomsGuide