Trong tài liệu lưu hành nội bộ, Foxconn, công ty lắp ráp iPhone lớn nhất cho Apple, đặt mục tiêu cắt giảm gần một nửa chi phí trong năm tới, tương đương 2,9 tỷ USD. Trong 12 tháng qua, công ty này đã chi 6,7 tỷ USD cho các hoạt động phục vụ sản xuất iPhone cho Apple. Điều này cho thấy Foxconn không đặt nhiều kỳ vọng vào doanh số iPhone trong năm tới.
Đại diện Foxconn cho biết quyết định mới nhất được đưa ra dựa vào những biện pháp đánh giá "không khác gì những năm trước". Mục tiêu mà Foxconn muốn đạt được là một chính sách phù hợp với thị trường và thách thức kinh tế của một và hai năm tới.
Cùng với quyết định này, nhà sản xuất iPhone lớn nhất thế giới có thể cắt giảm 10% nhân sự phi kỹ thuật. Động thái này làm gia tăng thêm những lo ngại về việc doanh số iPhone, sản phẩm quan trọng nhất của Apple, bị sụt giảm. Chỉ trong tuần trước, bốn nhà cung ứng của Apple trên 3 châu lục đã giảm mạnh ước tính doanh thu của họ. Đây là một trong những lý do khiến cổ phiếu Apple trượt dốc trong những ngày gần đây.
Chỉ riêng tháng này, Goldman Sachs cũng đã 3 lần giảm mục tiêu đánh giá doanh thu của Apple do nhu cầu tiêu thụ iPhone yếu ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Nhà phân tích Rod Hall cũng cảnh báo những điều nghiêm trọng nếu xu hướng hiện tại kéo dài.
Apple đã rơi vào thị trường gấu trong tuần này với việc giảm 24% so với đỉnh hồi tháng 10. Tuần trước, cổ phiếu của Lumentum Holdings Inc., một trong các nhà cung ứng của Apple, đã giảm 33% giá trị trong khi AMS AG cũng mất 22%. Trong tuần này, khi những nghi ngại với cổ phiếu công nghệ lan rộng, S&P 500 đã bị thổi bay mọi thành quả của năm 2018.
Foxconn, công ty có trụ sở ở Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc, lắp ráp mọi thứ, từ iPhone, máy tính xách tay tới các sản phẩm của Sony. Tuy nhiên, công ty này cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ một thị trường điện thoại thông minh đang chững lại trong khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm gia tăng những bất ổn toàn cầu. Đầu tháng, Foxconn công bố doanh thu thấp hơn 12% so với kỳ vọng.
Trong khi đó, Apple đã điều chỉnh chiến lược của mình khi doanh số bán iPhone mỗi năm chậm lại. Táo khuyết sản xuất những chiếc điện thoại giá cao hơn cũng như tăng cường doanh thu từ mảng dịch vụ, bao gồm cả video kỹ thuật số, nhạc trực tuyến và dữ liệu lưu trữ.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà cung ứng của nó vẫn phải phụ thuộc vào doanh số bán iPhone mà không có kế hoạch dự phòng nào khi tốc độ tăng trưởng của ngành chậm lại. Điều đó dẫn đến những cảnh báo tài chính với những công ty cung ứng.