“Tự thực hiện đổi trả”
Sau khi hai chuỗi bán lẻ điện máy phát đi thông báo tiến hành thu đổi sản phẩm tivi Asanzo sang những thương hiệu tivi khác cho khách hàng có nhu cầu, phía Asanzo đã thể hiện sự phản ứng không đồng tình.
Trong thông cáo phát đi từ Asanzo do chính Chủ tịch Phạm Văn Tam của Cty này kí phát hành, Asanzo cho rằng “quí khách và quí đối tác đã và đang tự thực hiện các chính sách đổi trả hàng hóa mang thương hiệu Asanzo từ người tiêu dùng hoặc các kênh phân phối khác tại các địa điểm kinh doanh, trung tâm thương mại hoặc cửa hàng phân phối hàng hóa điện tử. Chúng tôi không có chủ trương thu hồi mọi sản phẩm mang thương hiệu Asanzo như đã nêu trên, và không đồng ý, cũng như chấp nhận các chính sách này”.
Trao đổi với PV Lao Động, giám đốc truyền thông của Thế Giới Di Động (sở hữu chuỗi Điện Máy Xanh) – ông Đặng Thanh Phong - cho rằng: “Chúng tôi vẫn tiếp tục thu đổi sản phẩm tivi Asanzo theo đúng cam kết ban đầu với người tiêu dùng đến hết ngày 15.7.2019”.
Tuy nhiên, phía Asanzo cho rằng sẽ không chịu bất kì trách nhiệm, nghĩa vụ, bất kì thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp nếu có, cũng nhu bất kì vấn đề nào phát sinh từ hoặc liên quan đến hàng hóa trong toàn bộ quá trình đối tác tự ý thực hiện chính sách/quy trình đổi trả.
Nhà phân phối có quyền thu đổi hay không?
Theo luật sư Lê Ngọc Lam Điền (Trưởng Văn phòng luật sư Li và Cộng sự), sự bất đồng về việc thu đổi sản phẩm giữa nhà phân phối và nhà sản xuất trong trường hợp này là ít xảy ra tại Việt Nam từ trước đến nay. Bởi thông thường, khi cần thu đổi sản phẩm, nhà sản xuất thường phải nhờ đến mạng lưới nhà phân phối bán lẻ rộng khắp giúp sức thì việc thu hồi mới thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, trong trường hợp thu đổi sản phẩm Asanzo, nhà sản xuất bất đồng với chính sách/qui trình đổi trả của nhà phân phối có phải vì nhà phân phối đã vi phạm?
Theo luật sư Lam Điền, trong trường hợp này, nhà phân phối hoàn toàn có quyền tự thỏa thuận thu đổi sản phẩm với khách hàng khi nhận thấy việc làm này cần thiết để bảo vệ uy tín của mình, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho khách hàng và không liên quan đến nhà sản xuất. Có nghĩa là, việc thu đổi này không gây thiệt hại về tài chính cho nhà sản xuất, thì nhà sản xuất không có quyền can thiệp.
Trước khi tiến hành thu đổi sản phẩm, Nguyễn Kim đã ngừng kinh doanh sản phẩm tivi Asanzo trên website.
Nhưng luật sư Lam Điền cũng lưu ý rằng, vấn đề còn phải tham chiếu theo hợp đồng phân phối kí kết giữa hai bên có điều khoản nào ràng buộc nhà phân phối không được tự ý thu đổi sản phẩm hay không nhằm tránh gây tổn hại đến uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất.
Trong trường hợp nhà sản xuất cho rằng việc nhà phân phối tự ý thu đổi hàng hóa làm ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín thương hiệu của họ và thậm chí gây thiệt hại về doanh số, nhà sản xuất cần phải chứng minh được sự thiệt hại. Tuy nhiên, khi đó, cơ quan chức năng xem xét và xử lí vụ việc cũng sẽ phải tính đến nguyên nhân dẫn đến việc nhà phân phối tiến hành thu đổi hàng hóa là do đâu.