Trong đống tro tàn, nếu còn hy vọng thì vẫn sẽ thấy những mầm sống. Nhưng năm 2020 đã cho thấy điều ngược lại. Đại dịch đã khiến nhiều gia đình trên khắp thế giới phải chịu đau thương trong suốt 12 tháng qua.
Về cơ bản, sinh kế của hàng triệu người đã bị ảnh hưởng khiến họ phải rời bỏ nhà cửa, thất nghiệp và nghèo đói. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP toàn cầu ước tính đã giảm hơn 5%, nền kinh tế thiệt hại hơn 7 nghìn tỷ USD. Các quốc gia ASEAN đều phải trải qua sự suy giảm kinh tế vào năm 2020, ngoại trừ Việt Nam.
Giữa những tác động xấu của dịch bệnh, một vài tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Đó là lượng khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2020 đã giảm 2,4 tỷ tấn, tương đương 7% - mức giảm hàng năm lớn nhất từ trước đến nay. Điều này phản ánh rõ sự sụt giảm nhu cầu về vận tải, đặc biệt là đường hàng không, và mức tiêu thụ năng lượng công nghiệp giảm bớt do tình trạng đóng cửa toàn cầu.
Mặc dù con số đó có vẻ ấn tượng, nhưng Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết để đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Khí hậu Paris về việc mức tăng nhiệt độ tối đa vào năm 2050 là 1,5 độ C, lượng khí thải toàn cầu phải tiếp tục giảm 7% mỗi năm cho đến năm 2030. Có thể hiểu, năm 2020, chúng ta đã đóng cửa toàn cầu chỉ để đạt mục tiêu giảm khí thải theo Hiệp định.
Việc giảm khí thải nhà kính chắc chắn sẽ không kéo dài. Nhu cầu về sức khỏe và kinh tế được đặt lên hàng đầu. Vì thế mà các gói kích thích hàng nghìn tỷ đô la đang được chuẩn bị để làm bàn đạp cho nền kinh tế hồi phục và tăng trưởng mạnh vào năm 2021. Điều này sẽ làm tăng lượng khí thải đáng kể. Tại ASEAN, các biện pháp kích thích của Thái Lan và Malaysia dự kiến sẽ vượt quá 20% GDP, trong khi Singapore cũng đang xem xét 74 tỷ USD cho ngân sách của gói tài chính tiếp theo.
Việc các ngân hàng trung ương ở Philippines, Indonesia và Thái Lan nới lỏng tiền tệ đã làm giảm lãi suất chuẩn xuống mức thấp kỷ lục. Tại Trung Quốc, lưu lượng vận tải hàng không nội địa đã trở lại mức năm 2019 và tăng trưởng quý 4 của ngành sản xuất công nghiệp được thúc đẩy lên mức trước đại dịch. Như vậy, hoàn toàn có lý do để lạc quan về khả năng phục hồi nhanh chóng, nhưng phải "xanh".
Ba trung tâm đô thị lớn ở Đông Nam Á - Bangkok, Thành phố Hồ Chí Minh và Jakarta - sẽ có nguy cơ chịu thiệt hại lớn do mực nước biển dâng bởi hiện tượng ấm lên toàn cầu. Toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long, "vựa lúa" của Việt Nam, có thể bị nhấn chìm trong 4 thập kỷ tới. Đó cũng chính là lý do để hướng tới một tương lai ít phát thải carbon.
Tác động của lượng khí thải cao đối với sức khỏe và môi trường có thể nhìn thấy rõ ở hầu hết các trung tâm đô thị, đặc biệt là khi mà các thành phố như Bangkok, Jakarta và Hà Nội bị bao trùm bởi khói bụi.
Là nền kinh tế lớn thứ tư tính theo sức mua tương đương, sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ, ASEAN có vai trò quan trọng trong việc tiến tới mục tiêu giảm phát thải. Indonesia - quốc gia phát thải lớn nhất ASEAN, đã cam kết giảm 29% lượng khí thải vào năm 2030. Nhiều công ty đang ngày càng tập trung vào thị trường tài chính xanh, đưa nguồn tài chính của ASEAN lên 7,8 tỷ USD vào năm 2019, tăng gần 50%.
Tại Thái Lan, nhà phát triển tàu điện trên không BTS đã huy động được hơn 600 triệu USD thông qua các công cụ tài chính xanh để đầu tư vào việc mở rộng giao thông, nhằm giảm 28.000 tấn khí thải mỗi năm. Nhưng vẫn còn nhiều điều cần phải làm. Và những phản ứng khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020 đã cho thấy rằng có hy vọng và mong muốn để thay đổi.
Qua các sự kích thích về tài chính và tiền tệ khác nhau đã cho thấy sự nhanh chóng khi đưa ra các quyết sách hành động nhằm xử lý những tình huống cấp bách. Các nguồn lực lớn đang được tập hợp để thúc đẩy mạnh hơn sự phát triển năng lượng tái tạo, làm cho các liên kết giao thông bền vững hơn cũng như chuyển các ưu tiên trong kinh tế sang mục tiêu cân bằng carbon.
Các giải pháp cho thị trường ngày càng quan trọng. Một trong số đó là khuyến khích các công ty công bố nhiều hơn về lượng khí thải, theo lộ trình mà Lực lượng Đặc nhiệm về Công bố Tài chính liên quan đến Khí hậu khuyến nghị cũng như tập trung khai thác thị trường tài chính xanh.
Cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mark Carney, gần đây đã quan tâm vào thị trường bù đắp carbon toàn cầu trị giá 100 tỷ đô la. Đây là cơ hội quan trọng cho các doanh nghiệp và cá nhân giúp hỗ trợ phục hồi bền vững.
Để tồn tại, cần phải hành động. Năm 2020 cho thấy chúng ta có khả năng mạnh mẽ khi cùng nhau tập hợp các nguồn lực để giải quyết vấn đề ảnh hưởng đến chúng ta nhiều nhất. Với chi phí lớn, Covid-19 cuối cùng đã được giải quyết khi chế tạo ra vaccine. Khí thải carbon dẫn đến biến đổi khí hậu sẽ là một trong những thách thức lớn tiếp theo.
Khi phải vật lộn với vòng xoáy của đại dịch, khi mọi người đều nỗ lực để cải thiện cuộc sống cũng như nền kinh tế, thì cũng nên xem xét việc "tiêm phòng" chống khí carbon, từ đó để có một tương lai "xanh".