Thực tế, giá dầu ăn tại Ấn Độ đã tăng hơn 20% trong vòng chưa đầy một tháng qua, sau khi trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin giả mạo về tình trạng thiếu hụt của mặt hàng này. Giá dầu thô thế giới cũng đang tăng vọt có thể khiến New Delhi cân nhắc tăng giá nhiên liệu trong thời gian tới.
"Tôi đọc được tin nhắn trên WhatsApp rằng xung đột Nga - Ukraine có thể khiến thiếu dầu ăn. Vì vậy, tôi đã vội vàng mua về tích trữ" - bà nội trợ Rekhana Khan ở Mumbai, cho biết đã mua 10 lít dầu ăn, gấp đôi những tháng bình thường.
"Ấn Độ vốn phải nhập khẩu 2/3 nhu cầu dầu ăn, vì thế những thông tin giả mạo lan truyền trên mạng xã hội gần đây đã gây nên tình trạng mua bán hoảng loạn với mặt hàng này" - tạp chí kinh doanh Business Today của Ấn Độ bình luận.
New Delhi nhập khẩu hơn 90% lượng dầu hướng dương từ Nga và Ukraine, mặc dù dầu hướng dương chỉ chiếm khoảng 14% tổng lượng dầu ăn nhập khẩu của nước này.
Ông BV Mehta, Giám đốc Hiệp hội các công ty chiết suất dung môi ở Mumbai, cho biết nguồn cung cấp các loại dầu ăn khác như dầu cọ, đậu nành, dầu hạt cải … vẫn đủ cho thị trường nên người dân không cần lo lắng.
Còn với nhiên liệu, các công ty dầu mỏ do chính phủ Ấn Độ điều hành đã không tăng giá kể từ ngày 4-11 năm ngoái.
Tuy nhiên, trong bối cảnh bầu cử ở trong nước, chiến sự tại Ukraine nên người dân Ấn Độ lo lắng chính phủ sẽ tăng giá sớm nhất vào ngày mai (9-3).
Anh Swapnil Phadtare, một nông dân tại Maharashtra, cho biết đang tích trữ dầu diesel khi các phương tiện truyền thông trong nước đưa tin giá nhiên liệu có thể tăng 15-20 rupee/lít sau bầu cử.
"Việc thu hoạch vụ đông sẽ bắt đầu trong thời gian ngắn. Chúng tôi cần rất nhiều dầu diesel trong giai đoạn này. Để tiết kiệm tiền, tôi quyết định mua về tích trữ giống như những nông dân khác trong làng của mình"- anh Phadtare nói.
Hôm qua (7-3) giá dầu thế giới tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 khi Mỹ và các đồng minh châu Âu cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Sự chậm trễ trong khả năng quay trở lại thị trường thế giới của dầu thô Iran cũng đã làm dấy lên lo ngại về sự thiếu hụt nguồn cung.