Anh Dominic Lumabi đang ngồi trong ngôi nhà của mình ở Manila, chơi trò chơi bằng cách sử dụng những nhân vật hoạt hình NFT để chiến đấu với người chơi khác. Nhưng đối với anh, đây không đơn thuần chỉ là trò chơi, anh đang kiếm tiền để nuôi sống gia đình mình trong đại dịch.
Nguồn thu nhập của anh ấy chính là từ Axie Infinity, một loại hình trò chơi kiếm tiền (play-to-earn) đang nổi lên ở các quốc gia đang phát triển như Philippines, nhất là khi đại dịch COVID-19 khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp.
Những người hâm mộ của trò chơi này nói rằng đây chính là một cuộc cách mạng của internet. Trong khi đó, nhiều ý kiến trái chiều cho rằng trò chơi này sẽ sớm sụp đổ, một số người còn nói rằng đây là một kế hoạch lừa đảo dựa trên sự cường điệu của người tham gia và tính chất đầu cơ của mô hình trò chơi này.
"Đầu tiên, tôi rất nghi ngờ trò chơi này vì tôi tưởng đây là một mô hình Ponzi", anh Lumabi (26 tuổi) người bắt đầu chơi Axie Infinity vào tháng 6/2021 sau khi mất việc tại một công ty quảng cáo và thất bại trong việc bán hàng trực tuyến, cho hay.
Mô hình Ponzi là mô hình trong đó tiền của người đến sau sẽ trả cho người đến trước. Người tham gia sẽ bị thu hút bởi số tiền kếch sù được hứa hẹn và tìm cách mời những người khác. Số tiền mà họ đầu tư, thực chất sẽ được sử dụng để trả cho những người đi trước và những kẻ cầm đầu, ngụy trang dưới danh nghĩa “lợi nhuận”.
Công ty Sky Mavis cho biết, khoảng 35% lưu lượng truy cập Axie Infinity đến từ Philippines, nơi trình độ tiếng Anh cao, văn hóa chơi game mạnh mẽ và việc sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi đã thúc đẩy sự phổ biến của tựa game này.
Trong Axie Infinity, người chơi tham gia vào các trận chiến bằng cách sử dụng Axie (nhân vật trong trò chơi). Sau mỗi trận chiến, người chơi sẽ được thưởng "Smooth Love Potion" (SLP) - một loại tiền được lưu hành trong trò chơi. Với số tiền nhận được, người chơi có thể đổi sang tiền điện tử, tiền mặt hoặc đầu tư trở lại vào thế giới ảo Lunacia trong Axie Infinity.
Anh Dominic Lumabi thường dành ra hai giờ mỗi ngày để kiếm tiền từ Axie Infinity. Trung bình mỗi tháng, anh kiếm được 8.000 - 10.000 PHP (155-195 USD), gần một nửa số tiền anh kiếm được ở công việc trước đó với tư cách là người điều hành nội dung.
"Đại dịch là nhân tố chính giúp Axie Infinity thu hút được rất nhiều người chơi tham gia", ông Leah Callon-Butler, một chuyên gia tư vấn về blockchain ở Philippines nhận định.
Người dùng phải bỏ tiền mua Axie
Thế nhưng, để có thể bắt đầu chơi trò chơi này, người chơi bắt buộc phải mua 3 Axie. Axie sau đó có thể được mua bán với những người chơi khác, đồng thời người chơi có thể nuôi chúng để tạo ra thêm Axie mới. Nếu như tại thời điểm trò chơi mới ra mắt, Axie rẻ nhất là 37 USD, vậy nhưng hiện tại để mua một Axie, người chơi cần tiêu hàng trăm USD.
Tuy nhiên, khi người chơi chi nhiều hơn, họ sẽ có được Axie tốt hơn, và điều này sẽ giúp họ có được thêm nhiều cơ hội chiến thắng hơn trong các trận chiến để nhận SLP.
Đối với những người chơi kỳ cựu, họ lập những hội nhóm và trao "học bổng" cho người chơi mới. Người chủ sở hữu các Axie có thể nhận lấy tối đa 30% từ hình thức này.
"Trao học bổng" là thuật ngữ để chỉ hành động người sở hữu Axie đưa lại Axie cho người chơi không có khả năng gia nhập trò chơi vì không đủ tiền. Sau đó, người chơi sẽ sử dụng Axie trong các trận chiến, và khi thu về lợi nhuận họ sẽ phải chia lại một phần lợi nhuận cho chủ sở hữu.
Anh Luis Buenaventura, một chủ hội của nhóm tên là "Yield Guild Games" ở Philippines, nói rằng: "Chúng tôi cho người chơi mới mượn tài sản của mình để tự tạo thu nhập cho họ, và chúng tôi muốn có 10% lợi nhuận từ họ". Yield Guild Games đã trao 8.000 "học bổng" cho người chơi, và đang có 60.000 người chơi khác đang chờ để nhận "học bổng" này. Với những người đang ở độ tuổi 20 và thu nhập dưới 400$ một tháng, anh Buenaventura cho rằng điều này đã thay đổi cuộc đời họ.
Một mô hình dễ sụp đổ?
Khi số người dùng hàng ngày tăng trưởng mạnh vào năm 2021, giá của Axie và đồng SLP cũng bắt đầu tăng mạnh theo, và điều này đặt ra nhiều câu hỏi về tính bền vững của trò chơi.
Sky Mavis đã có được 1,2 tỷ USD doanh thu từ việc sản xuất Axie và thu phí trên thị trường, và họ đã thu hút được "cá mập" Mark Cuban. Vậy nhưng, một số nhà phân tích cho rằng mô hình kinh doanh này không hề bền vững, bởi người chơi phải liên tục bỏ tiền vào.
Ông Jonathan Teplitsky, một chuyên gia về blockchain ở Horizen Labs, cảnh bảo những trò chơi để kiếm tiền là một mô hình dễ sụp đổ do những trò chơi này nổi lên nhờ sự cường điệu và tính đầu cơ. Ông cho rằng: "Nếu như Axie Infinity muốn chiến thắng được cú sập thị trường tiếp theo, họ phải xây dựng một thế giới mà không phụ thuộc vào tâm trạng của thị trường." Tuy vậy, anh Nguyễn Thành Trung, co-founder và CEO của Sky Mavis nói rằng: "Có nhiều giá trị mà người chơi nhận được hơn là tiền bạc.", đồng thời anh chỉ ra rằng Axie Infinity không phải là một trò chơi có tổng bằng không.
"Trò chơi tổng bằng không" là một thuật ngữ trong lý thuyết trò chơi, trong đó những gì một người kiếm được tương đương với những gì người khác mất đi, do đó thay đổi ròng về tài sản hoặc lợi ích là bằng không.
Người dùng không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của nền kinh tế trong trò chơi
Nền kinh tế của trò chơi này đã chứng kiến sự không ổn định vài tháng qua. Vào năm 2021, khi mà Axie Infinity công bố bản cập nhật giúp người chơi giao dịch dễ dàng và hiệu quả hơn, giá trị của đồng SLP đã tăng 900% từ 3,5 cent lên đến 36,5 cent chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần. Thế nhưng, vào cuối tháng 1/2022, giá của đồng này đã xuống dưới 1 cent và đã hồi phục lên khoảng 3 cent, nhưng con số này đã cách xa so với hồi năm 2021.
"Mọi người đang bắt đầu hiểu ra rằng tiền không tự rơi từ trên trời xuống, để kiếm tiền họ cần phải thực sự hiểu cách trò chơi này vận hành như thế nào", anh Buenaventura cho biết.
Trong khi đó ở Manila, thu nhập hàng tháng của anh Lumabi đã giảm xuống hơn 1 nửa, nhưng anh không hề bị ảnh hưởng bởi điều này. Anh cho rằng: "Miễn là tôi có thể thu được từ 100 PHP đến 1.000 PHP một tháng, tôi cho rằng đây vẫn là một khoản đầu tư sinh lời."
Lược dịch từ báo The Japan Times