Theo số liệu chưa đầy đủ của Bộ Công An, 4 năm gần đây, toàn quốc có đến hơn 7.600 vụ án liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm,...
Có thể thấy, liên quan đến tín dụng đen có đủ loại vụ việc phạm tội đã diễn ra từ lừa đảo, hủy hoại tài sản cho đến cướp tài sản, giết người,...Các con số trên đã đủ nêu rõ thực trạng xấu và tác động ghê gớm đến xã hội của tín dụng đen. Thậm chí, tín dụng đen còn không chỉ tồn tại mà phát triển rất nhanh trong thời gian qua.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành công ty Luật Basico cho rằng cần nhận rõ bản chất của tín dụng đen thì mới có giải pháp đúng trong phòng chống.
Theo ông, tín dụng đen chắc chắn là loại hình tín dụng bất hợp pháp, tuy nhiên tín dụng bất hợp pháp chưa hẳn là tín dụng đen. Dưới góc độ pháp lý, tín dụng bất hợp pháp được hiểu là hoạt động cho vay chuyên nghiệp có vi phạm các giới hạn pháp lý hoặc không đáp ứng điều kiện kinh doanh với người cho vay. Vi phạm một quy định pháp luật thôi thì hoạt động cho vay cũng trở nên bất hợp pháp.Tuy nhiên, nhiều khi sự bất hợp pháp đó lại rất hợp lý với thị trường, với cả người cho vay và người vay.
Vị chuyên gia định nghĩa tín dụng đen là hoạt động cho vay mà người cho vay có yếu tố lừa dối, ép buộc người đi vay hoặc có dấu hiệu xâm phạm tính mạng, sức khỏe, chiếm đoạt tài sản của người vay. Đây mới là loại hình cho vay chúng ta cần phòng chống.
Ông Trần Minh Hải
Vậy vì sao nười dân vẫn lao vào tín dụng đen, để rồi đối diện với những nguy hiểm rình rập như thế?
Ông Hải cho rằng, không thể phủ nhận thực tế, tín dụng đen mạnh hơn tín dụng hợp pháp về khả năng giải quyết nhu cầu vay vốn. Bởi nhu cầu vay của người dân luôn tồn tại, nơi có chức năng đáp ứng nguồn cung về tín dụng rõ ràng nhất là các ngân hàng, công ty tài chính.
Tuy nhiên, các quy định hiện nay, thì TCTD chỉ được giới hạn cho vay tiêu dùng với các nhu cầu được các Thông tư cho phép. Rất nhiều mục đích vay vốn tiêu dùng thực tế khó có thể đáp ứng. Ví dụ, một người vay tiền cá nhân từ người khác để mua một chiếc xe máy, nay có nhu cầu vay để trả nợ nốt một phần tiền còn lại của khoản nợ đã đến hạn. Điều chắc chắn, theo ông Hải, giới TCTD không thể cho vay, bởi nhu cầu này không nằm trong sự cho phép của Thông tư 39 hay Thông tư 43.
"Trong khi đó, tín dụng đen đáp ứng được hết. Thậm chí người vay còn không cần nêu rõ về nhu cầu vay", ông Hải nói.
Ngoài ra, tín dụng đen tự do hơn tín dụng hợp pháp về điều kiện, giới hạn, thủ tục và quy trình cho vay. Các TCTD bị đặt ra nghĩa vụ phải bảo đảm có đủ hồ sơ chứng minh về quá trình vay với khách hàng. Trong đó rất nhiều quy định rườm rà đến từ quy định bắt buộc phải tuân thủ. Ví dụ như phải có chứng từ chứng minh mục đích vay, hồ sơ chứng minh thu nhập, khả năng thanh toán nợ,… Ông Hải cho rằng điều này không phù hợp với phân khúc thị trường tín dụng tiêu dùng khi so sánh với tín dụng doanh nghiệp. Người đi vay tín dụng đen trong khi đó không gặp bất cập này.
Vị Luật sư này cũng lưu ý một nguyên nhân khác dẫn đến thực trạng tín dụng đen hiện nay đó là giải pháp phòng chống của hệ thống pháp luật hình sự đối với tín dụng đen.
Hiện nay, điều 201 Bộ luật hình sự quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Quy định này hướng tới việc xử lý nghiêm khắc các hoạt động cho vay mà lãi suất cao gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Mức lãi suất chạm ngưỡng hình sự là từ 100%/năm, bởi mức lãi suất cao nhất theo Bộ luật dân sự là 20%/năm.
Nhưng thực tế, có những trường hợp vay vốn mà người vay sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất vượt ngưỡng hình sự vì nhu cầu vay vốn cấp thiết và vì lợi ích thiết thực của chính họ. "Nhiều bà con nông dân đi vay, họ chỉ biết số tiền phải trả hàng ngày, hàng tuần chứ để ý lãi suất bao nhiêu đâu!", ông Hải nói về thực trạng đi vay tín dụng đen hiện nay.
Ông lấy ví dụ, đến hạn trả 100 triệu đồng để chuộc lại tài sản có giá 2 tỷ đồng, thì người vay sẵn sàng chấp nhận khoản vay với lãi suất vài trăm phần trăm một năm để chuộc lại tài sản rất giá trị. Vậy nên, miễn là người vay và người đi vay đồng thuận, lãi suất cao đến đâu pháp luật hình sự cũng không nên can thiệp. Vị chuyên gia này cho rằng "Không thể lý luận cần xử lý hình sự cho vay nặng lãi để tránh bóc lột...Điều này không phù hợp với thị trường. Ngay giới ngân hàng, mức lãi suất có lúc lên đến 70-80% vẫn áp dụng khi khách hàng vay vốn có yếu tố không rõ ràng về nguồn thu,..miễn là giới ngân hàng vẫn thấy có thể cho vay với mức lãi suất phù hợp rủi ro".