Ba dự án cao tốc huyết mạch của Khánh Hòa
Theo đó, Dự án cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49km, đi qua huyện Diên Khánh, Cam Lâm và TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).
Dự án do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) quản lý dự án, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải) là chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào quý III/2023.
Đây là dự án đầu tư theo hình thức PPP có thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước khoảng 2.967 tỷ đồng.
Tiếp theo, Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Dự án do Ban Quản lý Dự án 7 (thuộc Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Dự án được thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 11.808 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (đã bao gồm dự phòng) hơn 2.200 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 7.907 tỷ đồng…
Tổng chiều dài của dự án khoảng 83,35 km, đi qua 4 huyện, thị gồm: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh và Khánh Vĩnh. Điểm đầu của dự án tại nút giao đầu hầm Cổ Mã (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh); điểm cuối tại vị trí giao với QL27C (thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh), kết nối với dự án đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Cuối cùng là Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 21.935 tỷ đồng, với chiều dài 117,5km (đoạn qua tỉnh Khánh Hòa khoảng 32,7km, tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8km).
Dự án chia thành 3 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Cụ thể, dự án thành phần 1, qua tỉnh Khánh Hòa với chiều dài 32km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh và 4 làn xe hạn chế, tổng mức đầu tư khoảng 5.632 tỷ đồng. Cơ quan chủ quản là UBND tỉnh Khánh Hòa.
Dự án thành phần 2, đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk có chiều dài 37,5km, quy mô 4 làn xe hạn chế, tổng mức đầu tư khoảng 9.818 tỷ đồng, cơ quan chủ quản là Bộ GTVT. Dự án thành phần 3, đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk có chiều dài 48km, tổng mức đầu tư khoảng 6.485 tỷ đồng, cơ quan chủ quản là UBND tỉnh Đắk Lắk.
Theo Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành xây dựng 3 dự án cao tốc đi qua địa bàn.
Trong tương lai khi các tuyến cao tốc được xây dựng và khớp nối với nhau sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây, tuyến đường bộ Bắc – Nam phía đông. Đây là những tuyến hành lang vận tải quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên, các tỉnh lân cận.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi kiểm tra, đôn đốc dự án Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: Q.Đ
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vượt tiến độ
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra, đôn đốc dự án Nha Trang - Cam Lâm thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 1.
Theo báo cáo, đến nay công tác GPMB đạt 99,8%, các gói thầu xây lắp đạt sản lượng 64,1% giá trị hợp đồng.
Đại diện Tập đoàn Sơn Hải cho biết, được sự đồng ý của Thủ tướng trong chuyến công tác năm ngoái, doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ mới thi công dải phân cách, tiết kiệm hơn, an toàn hơn. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã bỏ thêm kinh phí để mở rộng phần lề đường so với thiết kế, giúp an toàn hơn.
Ban Quản lý dự án sẽ tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp dự án, nhà thầu thi công gói thầu số 1 tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi, tập trung máy móc, thiết bị, tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành công tác đắp nền của gói thầu để thi công móng, mặt đường... đáp ứng tiến độ chung của dự án. Đồng thời cho biết dự án sẽ vượt tiến độ như cam kết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh tinh thần làm việc của các đơn vị, đến nay con đường đang hình thành, nhiều đoạn đã hoàn thiện.
Đồng thời, Thủ tướng cũng đã biểu dương các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công nhân đã làm việc với tinh thần "xuyên Tết", gác niềm vui riêng để tập trung hoàn thành dự án, tạo động lực cho sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng lưu ý việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính kỹ thuật, mỹ thuật và môi trường, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân và an toàn cho người dân.
"Qua dự án này có thể rút ra bài học cần phải bám sát và tôn trọng thực tiễn, cái gì lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân thì cố gắng làm, phải chọn được nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực, tâm huyết; phải huy động được nguồn lực toàn xã hội cho phát triển, trong đó có hợp tác công tư, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết.
Thủ tướng cũng đề nghị sửa các quy định, quy chế, tiêu chuẩn chọn nhà đầu tư, nhà thầu phù hợp với thực tiễn để thu hút được nhiều hơn nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực, tâm huyết vào thực hiện các dự án.
Cùng với đó, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá chuẩn xác, công nhận những đơn vị thực sự có năng lực, triển khai chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án.