Sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bị bệnh dịch tả lợn châu Phi và gián tiếp do chưa tái đàn). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai 3 giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thịt lợn, ổn định sản xuất chăn nuôi.
Tại "Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Với 25 triệu con heo đang còn thì hiện nay chưa thiếu thịt heo, đủ cung ứng cho cả nước và sẵn sàng nhập 7.000 tấn thịt heo nữa. Cần xử lý việc phao tin đồn nhảm về việc thiếu thịt heo vì không thiếu nhiều lắm đâu, cần thiết nhập vài nghìn tấn nữa để giảm giá xuống. Doanh nghiệp nào, trang trại nào găm giữ heo, không chịu xuất heo phải bị xử lý".
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn thêm ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quanh vấn đề này.
Xin Bộ trưởng cho biết ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi đến chăn nuôi lợn và tình hình sản xuất chăn nuôi năm 2019?
Lũy kế từ đầu tháng 2/2019 đến 25/12/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.526 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5.957.460 con; tổng trọng lượng lợn đã tiêu hủy là 342.802 tấn, chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn của cả nước.
Dịch bệnh đã giảm mạnh trong thời gian gần đây, đến thời điểm này đã có 6.020 xã (chiếm 71% tổng số xã có dịch) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày mà chưa tái xuất hiện ổ dịch. Riêng tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã hết dịch. Trong tháng 12/2019, số lợn tiêu hủy là khoảng 50 nghìn con, giảm 67% so với tháng 11/2019 và giảm 96% so với tháng 5/2019 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn).
Sản lượng thịt hơi các loại cả năm 2019 ước đạt khoảng 5 triệu tấn, giảm 6,23% so với năm 2018. Trong đó, đàn bò tăng 2,4%, sản lượng thịt 350 ngàn tấn (tăng 4,4%); sữa đạt khoảng I1,l triệu tấn (tăng 10%); đàn gia cầm tăng 13,5%, sản lượng thịt ước đạt 1,26 triệu tấn (tăng 15%), sản lượng trứng ước đạt 14 tỷ quả (tăng 12%).
Riêng chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi làm giảm đảng kế số đầu con và sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9% do thiệt hại bị bệnh dịch tả lợn châu Phi và gián tiếp do chưa tái đàn).
Dư luận vẫn đang rất lo ngại thịt lợn bị thiếu hụt trong khi Tết đang đến gần. Xin Bộ trưởng cho biết về vấn đề này?
Chúng ta đang tập trung kiểm tra công tác tăng cường phát triển sản xuất chăn nuôi đảm bảo đáp ứng nhu cầu dịp Tết Âm lịch cũng như những tháng sau Tết. Chúng tôi thấy các địa phương đang thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tập trung tăng cường sản xuất đa dạng các loại thực phẩm.
Với việc đàn gia cầm, đại gia súc và thủy sản tăng mạnh, có thể khẳng định rằng, tổng lượng thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và đầu năm tới rất dồi dào. Hiện nay, tổng đầu lợn theo báo cáo của các tỉnh hiện còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà còn 109 nghìn con. Số lượng lợn này cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.
Các doanh nghiệp lớn có chuỗi sản xuất thịt lợn như các công ty CP, Masan, Mavin,... đã và đang mở rộng hàng trăm điểm bán thịt lợn chất lượng, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Riêng về tái đàn lợn, sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi giảm xuống mức có thể kiểm soát được, các địa phương đang tăng tốc tái đàn. Điều đáng biểu dương là các địa phương đã tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân tái đàn theo quy trình cẩn trọng. Chúng tôi tin tưởng việc tái đàn sẽ giảm thiểu nguy cơ xác suất về dịch bệnh, sẽ đóng góp một phần vào việc thiếu hụt thịt lợn cuối năm.
Với giá thịt lợn liên tục tăng thời gian qua và đang ở mức cao chưa từng thấy. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?
Chúng ta đang triển khai 3 giải pháp.
Trước hết là phải tăng cường sản xuất. Đây là giải pháp chắc nhất, bền vững nhất và hiệu quả nhất. Các nhóm sản phẩm đều phải tăng, không chỉ là thịt lợn vì tăng không chỉ cho tiêu dùng mà còn cho xuất khẩu. Hiện thủy sản, thịt gà đang có tiềm năng xuất khẩu khá tốt. Việc tăng này có hai chủ đích là tăng cho xuất khẩu và đủ nhu cầu thực phẩm cho thị trường, đặc biệt là cuối năm thường có nhu cần tăng cao hơn.
Giải pháp thứ hai, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn bán tự phát qua biên giới để không chỉ đảm bảo nguồn cung trong nước mà chính là an toàn dịch bệnh, không để lây nhiễm qua các con đường. Cùng với đó là cần đảm bảo khâu thương mại, không để trục lợi, găm hàng.
Giải pháp thứ ba, trong chiến lược phát triển chăn nuôi mới sẽ cần làm sao phát triển hài hòa cơ cấu các nhóm thực phẩm, để đảm bảo kinh tế, an toàn sinh học, đồng thời cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn. Không thể nào cơ cấu bữa ăn mà 70% thực phẩm trên mâm cơm là thịt lợn. Cái này cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng chuyển hướng sang tiêu dùng hài hòa với các thực phẩm khác.