Cuộc đàm phán thứ 2 kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm ngoái được mô tả là quan trọng nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc chỉ còn hơn một tháng để giải quyết những khác biệt trước khi lệnh ngừng bắn chiến tranh thương mại hết hiệu lực vào tháng 3.
Nếu các cuộc đàm phán không mang lại hiệu quả, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 25% so với 10% như hiện tại. Tồi tệ hơn, sự sụp đổ của các cuộc đàm phán sẽ làm tan vỡ hy vọng phá băng quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều cả thế giới đều cảm thấy lo lắng.
Trong cuộc gặp sắp tới, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc gặp phái đoàn Mỹ do Đại diện thương mại, Robert Lighthizer dẫn đầu ở Washington. Các nội dung được thảo luận bao gồm mọi vấn đề về thương mại, từ đậu nành nhập khẩu của Mỹ tới các khoản trợ cấp mà Bắc Kinh dành cho các doanh nghiệp nước này.
Kịch bản chung
Ngay cả khi ông Lighthizer và ông Lưu đạt được thỏa thuận trong tuần này, sẽ cần thời gian để báo cáo lên hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc xem họ có hài lòng hay không. Đừng kỳ vọng quá nhiều vào cách giải thích của ông Lighthizer và ông Lưu dù họ dẫn đầu các cuộc đàm phán. Quyền quyết định vẫn nằm trong tay ông Trump và ông Tập Cận Bình.
Điều đó đồng nghĩa với việc thế giới sẽ rất mơ hồ trước những tiến triển của cuộc đàm phán. Sau cuộc gặp ở Bắc Kinh, hai bên đã đưa ra những tuyên bố khác nhau và chủ yếu tập trung vào những thành tựu với vấn đề của mình.
Theo các nhà phân tích, người Trung Quốc có thể đồng ý mua thêm hàng hóa Mỹ, Bắc Kinh có thể hứa ngừng các hoạt động đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ và hai bên có thể phát triển một hệ thống khả thi nhằm đưa vào thực hiện các thỏa thuận.
Nếu hai bên có kế hoạch tổ chức một vòng đàm phán khác, đó là dấu hiệu tích cực cho thấy họ nghĩ rằng vẫn có thể đạt được thỏa thuận trước ngày 1/3 năm nay, ngay cả khi họ chưa sẵn sàng cho tất cả. Một kết quả khác có thể xảy ra trong trường hợp hai bên đồng ý gặp lại đó là việc mở rộng thỏa thuận ngừng bắn thương mại mà hai nước đã đạt được trước đó.
Kịch bản đột phá
Những người lạc quan nhất hy vọng Trung Quốc sẽ nói về cải cách kinh tế sâu rộng hơn mong đợi. Điều này đủ để Nhà Trắng và Tổng thống Trump đạt được một thỏa thuận về mặt nguyên tắc. Thị trường sẽ tăng sau thời gian dài sụt giảm vì nỗi lo chiến tranh thương mại toàn cầu.
Vấn đề là người Trung Quốc thực sự cần đột phá và nghiêm túc trong việc giảm ảnh hưởng của nhà nước trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, David Loevinger, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ - người đang làm việc tại TCW Group Inc., cho rằng điều này rất khó xảy ra.
Kịch bản tồi tệ
Nếu không có tuyên bố nào được đưa ra sau cuộc đàm phán, người ta sẽ phải tập trung vào những diễn biến tiếp theo. Có thể, Tổng thống Trump sẽ có một dòng thông điệp giận dữ trên mạng xã hội, thể hiện sự thất vọng với quá trình đàm phán.
Trong cuộc đàm phán hồi tháng 5, Mỹ và Trung Quốc đưa ra tuyên bố chung trong đó có việc Trung Quốc đồng ý gia tăng nhập khẩu nông sản và năng lượng của Mỹ cũng như khẳng định họ nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Vài ngày sau, ông Trump bác bỏ nó và yêu cầu các nhà đàm phán Mỹ làm lại.
Một phản ứng tương tự có thể sẽ xảy ra thời gian tới, khiến quá trình đàm phán đóng băng thời gian dài. Điều này sẽ diễn biến như thế nào phần lớn phụ thuộc vào phản ứng của những người diều hâu trong chính quyền của ông Trump, bao gồm Đại diện thương mại Robert Lighthizer, cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.