Tính từ thời điểm bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội từ 0h ngày 9/7, người dân TP.HCM có 3 lần tràn ra đường mua lương thực thực phẩm tích trữ, bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh.
Trải qua 43 ngày áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên toàn TP.HCM, theo ghi nhận của PV. VietNamNet, có 3 thời điểm lượng người ra đường tăng cao để mua hàng hóa.
Lần thứ nhất, trước thời điểm 0h ngày 9/7. Trong các ngày từ 6-8/7, TP.HCM là "điểm nóng” với các thông tin liên quan đến cung ứng hàng hóa. Tâm lý mua hàng và tích trữ số lượng lớn diễn ra trong những ngày này được lý giải bởi nỗi lo sợ trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc đóng cửa cả 3 chợ đầu mối lớn của TP (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) để phòng, chống dịch phần nào làm người dân lo lắng việc cung ứng hàng hóa gặp vấn đề.
Đổ xô đi mua sắm vào ngày 8/7 |
12h trước thời điểm TP áp dụng Chỉ thị 16, lượng người mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi rất đông và kéo dài cho tối ngày 8/7. Các siêu thị quanh khu vực chợ quận Bình Thạnh, TP. Thủ Đức rơi vào tình trạng quá tải, thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng, nhiều siêu thị phải đóng cửa từ 8h-9h tối do hết hàng sớm.
Đặc biệt, thời điểm đó, giá các mặt hàng ghi nhận tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Đa Kao (quận 1) tăng ở mức “dựng đứng”. Tăng giá mạnh nhất có thể nói đến rau xanh và trứng. Trứng gia cầm tăng gấp đôi trong khi rau tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần ngày thường. Bất chấp giá cả leo thang, vẫn có người mua hàng trăm trứng gia cầm về để ăn, tích trữ và bán lại kiếm lời.
“3 củ cà rốt, 5 củ su hào vừa vừa mà 120.000 đồng. Khóc ròng”, một bà nội trợ tại TP.HCM chia sẻ trạng thái và ảnh chụp gây sốc lên mạng xã hội trưa ngày 8/7.
Lần thứ hai, trước thời điểm 0h ngày 15/7. Lúc này, mạng xã hội và các trang thông tin không chính thống lan truyền thông tin sai lệch về việc “đóng cửa toàn TP.HCM” từ 0h ngày 15/7. Hậu quả tức thì, lượng người đổ ra các chợ truyền thống, siêu thị lại tăng đột biến vào ngày 14/7.
Tình trạng ùn người tại siêu thị Emart (quận Gò Vấp) trưa ngày 14/7 |
Ghi nhận vào trưa ngày 14/7 tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn quận Gò Vấp, quận Bình Thạnh như Bách Hóa Xanh, Satra Foods, Vissan, Emart,... lượng người đến mua sắm tăng cao. Nhiều siêu thị, do lo ngại tình trạng dịch bệnh có thể lây lan nếu tập trung đông người, đã tạm đóng cửa và thông báo khách hàng quay lại sau ít giờ đồng hồ. Mặc dù vậy, dòng người dồn ứ giữa trưa tại các điểm mua sắm không hề giảm.
Lần thứ 3, trước thông tin TP.HCM sẽ siết chặt giãn cách trong 2 tuần kể từ 0h ngày 23/8. Đây được xem là các biện pháp mạnh nhằm kéo giảm số ca lây nhiễm trong cộng đồng đang có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19 và khả năng lây lan nhanh của biến chủng Delta, người dân lại một lần nữa đi chợ "đông như hội” bắt đầu từ trưa ngày 20/8 và trong ngày 21/8.
Đứng tràn lòng đường mua chờ mua thực phẩm |
7h sáng ngày 21/8, lượng người xếp hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc kéo đến các sạp cóc, quầy hàng quanh chợ truyền thống tăng mạnh. Nhiều người không có phiếu mua hàng theo ngày nhưng vẫn kiên nhẫn đứng đợi để có thể mua đồ về tích trữ.
Tại MM Mega Market (TP. Thủ Đức), cứ 30 phút, nhân viên lại phải bổ sung hàng một lần. Lực lượng an ninh dùng biện pháp chặn dòng người để nhân viên có thời gian châm lại hàng, hạn chế nhân viên tiếp xúc với khách. Cùng lúc này, các hệ thống phân phối thực phẩm như San Hà, Hà Hiền, Vinmart+, Bách Hóa Xanh, Satra,... một lần nữa rơi vào tình trạng “nóng” khi người dân kéo đến quá đông.
“Hết thịt, hết rau”, bà Bùi Phương (quận Bình Thạnh) nói và ra khỏi một cửa hàng với vài mặt hàng đồ khô trên tay.
Bà nội trợ mua chất kín cả một xe lương thực sáng 21/8 |
Trong bối cảnh đó, có những bà nội trợ mua chất kín một xe máy với thịt, rau, thực phẩm bất chấp việc di chuyển khó khăn và đang đèo theo con nhỏ. Lại có người mua 4-5 thùng mì tôm để ăn dần và cả chục kg thịt dự trữ.
Việc người dân ra đường rất đông để mua sắm hàng hóa, dẫn đến mất trật tự, ảnh hưởng giãn cách xã hội, đe dọa lây lan mạnh dịch bệnh. Nếu tình trạng này không chấm dứt, TP.HCM không thể kiểm soát được dịch bệnh. Trước tình hình trên, chiều 21/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM khẳng định: “Không thực hiện phong tỏa thành phố trong hai tuần tới”. Chính quyền cam kết cung ứng đủ hàng hoá cần thiết cho người dân.
Quảng Định