Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa vụ ly hôn của 2 nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ được đưa ra phân xử. Tâm điểm của vụ ly hôn này nằm ở việc phân chia khối tài sản chung có trị giá lên đến vài nghìn tỷ đồng của 2 người. Sau phân chia tài sản, bên nào có được số phần cao hơn đương nhiên sẽ có lợi thế trong việc nắm quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.
Công ty trung tâm của toàn bộ hệ thống Trung Nguyên là CTCP Tập đoàn Trung Nguyên, quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê của tập đoàn. Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng nhưng ông Vũ chỉ trực tiếp sở hữu 20% và bà Thảo sở hữu 10%. 70% cổ phần còn lại được nắm giữ bởi CTCP Đầu tư Trung Nguyên - Trung Nguyên Investment.
Tại thời điểm 31/12/2016, công ty này có 4 cổ đông gồm ông Vũ sở hữu 60%, bà Thảo sở hữu 30%. Bố mẹ ông Vũ là ông Đặng Mơ và bà Lê Thị Ước mỗi người nắm giữ 5%. Tuy nhiên trong năm 2017, số cổ phần của ông Đặng Mơ đã được chuyển nhượng toàn bộ cho ông Vũ (1,66%), bà Ước (1,68%) và những người khác. Đến cuối năm 2017, cơ cấu sở hữu của Trung Nguyên Investment gồm ông Vũ nắm 61,66%, bà Thảo nắm 30% và bà Ước nắm 6,68%.
Cách đây không lâu, bà Thảo có những tiết lộ lý giải về việc tại sao có những tỷ lệ sở hữu này. Theo nữ doanh nhân này công ty Trung Nguyên Investment do bà và ông Vũ cùng sáng lập công ty, nhưng khi cổ phần hóa thì cần tối thiểu 3 thành viên. Vì vậy hai người thống nhất đưa bố mẹ ông Vũ vào làm cổ đông. Và những con số tỷ lệ cổ phần đều được "ghi đại".
Ngoài ra bà Thảo còn chia sẻ về quá trình thành lập Trung Nguyên Singapore từ vốn khởi điểm 50.000 đô la Singapore cho đến chuyện chỉ 1 lần duy nhất ông Vũ đến đây năm 2009 rồi nhập chúng với TNG vào năm 2010.
Sau đây là thông tin được bà Lê Hoàng Diệp Thảo đưa ra:
Sự bùng nổ của Trung Nguyên tại Singapore – Những tháng ngày tươi đẹp
Nếu ai đã từng đi Singapore và transit tại trạm Terminal 1 tại đây chắc sẽ tự hào khi thấy quán cafe Trung Nguyên của Việt Nam nằm ở vị trí đắc địa nhất tại sân bay Changi. Singapore chính là nơi đánh dấu sự bùng nổ của Trung Nguyên trên thị trường quốc tế.
Năm 2008. Tôi cùng 3 con sang Singapore, còn anh ở lại với mối đam mê riêng của mình. Tại Singapore, tôi nhận ra đây sẽ là nơi khởi đầu tuyệt vời để phát triển kinh doanh quốc tế, vì đó là điểm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới. Hàng triệu người hạ cánh xuống Singapore mỗi năm, vì thế, quảng bá Trung Nguyên tại đây sẽ rất hiệu quả và tiết kiệm. Đồng thời, sự tương đồng về văn hóa và ẩm thực tại Singapore sẽ khiến cho tiêu thụ nội địa ở quốc gia này gia tăng, giúp cho Trung Nguyên tăng được hàng xuất khẩu.
Trong suốt thời gian này, tôi lụi cụi một mình vừa lo tìm trường nhập học cho các con, vừa chuẩn bị "tái khởi nghiệp" nơi xứ người. Sau khi ổn định cuộc sống cho các con, vài tháng sau, tôi và các cộng sự thành lập văn phòng tại Henderson Park, mở quán cafe đầu tiên tại Terminal 1 ở sân bay Changi. Mô hình này tôi đã mang theo về Việt Nam để sửa lại hệ thống quán sau 10 năm phát triển, đồng thời tái định vị cho Trung Nguyên. Khi ấy, với 50.000 đôla Sing làm vốn khởi điểm, tôi đăng ký thành lập công ty Trung Nguyên Singapore (TNS), một mình đứng tên và chịu trách nhiệm.
Năm 2009, tôi khai trương quán tiếp theo tại Liang Court. Hay tin, anh bay sang dự. Đó là ngày duy nhất anh sang Singapore kể từ khi công ty mở văn phòng tại đây. Cho tới tận lúc này, anh chưa bao giờ gặp gỡ và làm việc với nhân viên của tôi tại Singapore hay quốc tế. Anh ít đi nước ngoài là vì anh biết được những hạn chế của mình về ngôn ngữ và giao tiếp trên thị trường quốc tế. Do đó, ngay từ những ngày đầu tiên ở xưởng cà phê nhỏ xíu trên Ban Mê Thuột, anh luôn để tôi giao tiếp với khách nước ngoài, và luôn tin tưởng giao hết việc kinh doanh quốc tế cho tôi. Sau khi hàn gắn, tôi đưa các con trở về, cùng chồng tiếp tục quản lý Tập đoàn Trung Nguyên (TNG).
Năm 2010, tôi mang bầu bé út. Anh thương tôi vất vả, đề nghị tôi nhập chung TNS vào TNG để thuận tiện quản lý. Không chút do dự, tôi chuyển hết cổ phần tại TNS sang TNG. Ưu tiên lớn nhất của tôi lúc này là gia đình.
Việc kinh doanh quốc tế khi đó rất thuận lợi, vốn điều lệ và cổ phần của TNS tăng lên nhanh chóng, từ 50.000 lên 7.528.000 đôla Singapre. Việc chuyển nhượng các công ty con vào công ty mẹ, mà tất cả đều là công ty gia đình, tương đối suôn sẻ, mặc dù chúng tôi gặp phải không ít vướng mắc do cách quản lý kiểu gia đình.
Tuy nhiên, khi gia đình thuận hòa, những việc khó như quản lý tài chính, mua bán chuyển nhượng lại rất đơn giản. Anh và tôi cùng sáng lập công ty, nhưng khi cổ phần hóa thì cần tối thiểu 3 thành viên. Chúng tôi thống nhất đưa ba má anh vào làm cổ đông. Con số thì "ghi đại", chồng 60%, vợ 30%, ba má chồng chung nhau 10%. Với chúng tôi khi ấy, việc chuyển tiền hay cổ phần cho nhau giống như việc mình tự chuyển tiền của chính mình, từ túi phải qua túi trái vậy. Tôi chưa bao giờ tính toán với anh bất cứ điều gì . Những ngày tháng ấy, chúng tôi rất hạnh phúc. Đến đầu năm 2013, cả nhà chúng tôi còn cùng đi biển và chụp hình kỷ niệm 15 năm ngày cưới. Tôi nhớ như in khoảnh khắc cả gia đình mặc bộ đồ trắng chạy chân trần trên biển, cảm giác như sẽ bên nhau mãi mãi.