Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Từ Cẩm Ly - Giám đốc Đối ngoại và Pháp lý Coca-Cola Đông Dương vẫn cho rằng thế giới không rác thải là có thể và đang phối hợp với nhiều bên để triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, câu chuyện về thực hiện một chiến dịch như "Thế giới không rác thải" có vẻ khá xa lạ. Khởi động một chương trình như vậy và quyết tâm thực hiện, Coca-Cola gặp những vấn đề gì?
Trước thực trạng rác thải nhựa ngày càng tăng cao, trở thành gánh nặng nghiêm trọng đối với môi trường, đề tài khuyến khích một thế giới không bao bì, rác thải nhựa khá hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận những lợi ích của bao bì thực phẩm cũng như chai đựng nước giải khát trong cuộc sống hiện đại trong những thập kỷ qua.
Hộp đựng thức ăn, chai nước giải khát hiện đại giúp giảm hư hỏng và lãng phí thực phẩm, hạn chế bệnh tật lây lan… Hay nói cách khác, chai và lon có thể mang lại lợi ích cho xã hội nếu chúng được thiết kế phù hợp và xử lý một cách có trách nhiệm. Đây cũng chính là tầm nhìn của chúng tôi về một Thế Giới Không Rác Thải.
Và để tạo nên một Thế Giới Không Rác Thải, các công ty phải thực hiện phần của mình là đảm bảo bao bì, chai đựng nước giải khát có thể tái chế được. Cộng đồng cũng phải thực hiện phần công việc tái chế của mình và làm bất cứ điều gì có thể để đảm bảo không xả thải rác nhựa ở những nơi không phù hợp. Điều này cũng gặp khó khăn ở một số quốc gia điển hình như Việt Nam khi cộng đồng chưa có thói quen phân loại rác thải cũng như nhiều người vẫn còn thói quen xả thải chưa đúng nơi quy định.
Để cải thiện tình trạng này, chúng tôi cùng các đối tác đã thực hiện nhiều hoạt động nâng cao ý thức của người dân địa phương về mối đe dọa của rác thải, khuyến khích mọi người cùng phân loại rác. Và chúng tôi tin rằng, tương lai một thế giới không rác thải là điều khả thi.
Tương tự như việc trả lại số lượng nước mà mình sử dụng, chiến dịch tái chế 100% các bao bì nhựa của Coca-Cola tại Việt Nam có lộ trình như thế nào?
Trước thực trạng 90 tỷ tấn vật liệu đã được sử dụng trong năm 2017, gấp ba lần so với năm 1970, đầu tháng 01/2018, chúng tôi đã công bố mục tiêu bao bì bền vững đầy tham vọng. Theo đó, công ty sẽ thu gom và tái chế 100% chai và lon mà chúng tôi bán ra, bất kể nguồn gốc từ đâu, chúng tôi mong muốn từng bao bì được sử dụng nhiều lần. Chiến lược này tập trung vào vòng đời của bao bì, từ lúc chai và lon được thiết kế, sản xuất cho đến khi chúng được tái chế và tái định hình.
Tại Việt Nam, chúng tôi đang trong quá trình hướng đến mục tiêu sử dụng nhựa tái chế để sản xuất 10% số lượng chai nước Dasani bắt đầu từ cuối năm 2018.
Ngoài ra, chúng tôi hiện đang phối hợp cùng các đối tác gồm VCCI, Dow và Unilever phát động sáng kiến "Không xả thải ra thiên nhiên" (Zero Waster to Nature) với 4 mục tiêu: Giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; Xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy mô hình kinh doanh bền vững; Phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, hoạt động cốt lõi của sáng kiến này là phân loại rác tại nguồn.
Chúng tôi cũng đang hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub) để thiết lập một Mạng lưới Hành động vì Rác thải Nhựa (Plastic Action Network) vững mạnh. Chương trình này được triển khai thực hiện thông qua các chiến lược Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế nhựa tại thành phố Hạ Long và Vịnh Hạ Long.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang hợp tác với UNESCO thực hiện Dự án Hợp tác Vì một thế giới không rác thải (Fostering Creativity For Recycling Awareness) với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và hỗ trợ thanh niên cùng phát triển các ý tưởng sáng tạo trong thu thập, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa. Bắt đầu triển khai tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và những khu vực xung quanh phố cổ Hội An (Huế), hiện dự án tiếp nối với Cuộc thi tái chế sáng tạo.
Không dừng ở đó, chúng tôi còn phối hợp với Hội đồng Anh (British Council) thực hiện dự án "Nuôi dưỡng sự sáng tạo vì một thế giới không rác thải" với mục tiêu nâng cao nhận thức của công chúng, tạo ra các sáng kiến và hành động cụ thể trong việc thu thập, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa cũng như những loại rác thải rắn khác. Bước đầu, dự án đã được triển khai xung quanh khu vực Ekocenter tại Huế từ tháng 9/2018. Dự kiến, đến năm 2020, dự án sẽ mở rộng đến tất cả các trung tâm còn lại trên cả nước.
Việc này sẽ tác động như thế nào đến hiệu quả kinh doanh của Coca-Cola tại Việt Nam?
Việc này sẽ tác động như thế nào đến hiệu quả kinh doanh của Coca-Cola tại Việt Nam?
Như tôi đã chia sẻ ở trên, với sáng kiến "Không xả thải tự nhiên ra môi trường", chúng tôi không chỉ hướng đến việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa mà qua đó còn xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững. Chương trình này cũng tạo cơ sở để phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn, kiến nghị chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Bằng việc phục hồi và tái sử dụng chất thải thành các nguồn lực khác nhau và đưa vào quá trình sản xuất, kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp hướng đến triết lý sản xuất sạch hơn, tiết kiệm hơn, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng đến một tương lai bền vững.
Năm 2018 và 2019, những mục tiêu phát triển bền vững của Coca-Colađược nâng lên so với những năm trước đó ra sao?
Trong suốt chặng đường hơn 25 năm gắn bó với thị trường Việt Nam, chúng tôi luôn trung thành với chiến lược đầu tư cho phát triển bền vững.
Theo đó, với mục tiêu môi trường toàn cầu "phát triển kinh doanh nhưng không làm tăng khí thải cacbon", hướng đến mục tiêu giảm 25% khí thải cacbon trong suốt chuỗi giá trị của mình đến năm 2020, chúng tôi đã thay thế dầu nhiên liệu trước đây bằng khí nén tự nhiên (CNG) sạch hơn. Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện nhiều cải tiến trong quy trình sản xuất để giảm bớt lượng năng lượng cần thiết như xây dựng hệ thống tích trữ nước mưa, hệ thống tái chế tại các nhà máy, từ đó, giảm mức sử dụng nước ngầm.
Đối với mục tiêu hoàn trả lại lượng nước sạch cho cộng đồng và thiên nhiên đúng bằng lượng nước đã sử dụng trong sản xuất và đóng chai vào năm 2020, chúng tôi đã hoàn thành từ năm 2015, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch. Nhờ đó, Coca-Cola đã trở thành công ty đầu tiên trong danh sách Fortune 500 thực hiện thành công việc hoàn trả nước sạch về cho cộng đồng và thiên nhiên.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện các chương trình trao quyền kinh tế cho phụ nữ, điển hình là chương trình 5by20, đặt mục tiêu trao quyền kinh tế cho 5 triệu doanh nhân phụ nữ thông qua chuỗi giá trị toàn cầu vào năm 2020.
Tại Việt Nam, hướng theo mục tiêu toàn cầu trong việc đem đến các giá trị nước sạch và nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ địa phương, tính đến đầu năm 2018, chúng tôi đã có 9 trung tâm hoạt động cộng đồng EKOCENTER tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hạ Long, Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Huế, Hà Tĩnh. Dự kiến sẽ có thêm nhiều trung tâm được mở vào thời gian tới.
Khi thực hiện các chương trình phát triển bền vững tại Việt Nam, những người dân đem lại cho Coca-Cola những sáng kiến gì mới trong việc bảovệ môi trường hay không và Coca-Cola đã tiếp thu điều đó ra sao?
Trong quá trình phát triển tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy giới trẻ Việt Nam không hề thiếu tính sáng tạo. Tuy nhiên, các bạn trẻ cần sự hướng dẫn, truyền đạt thiết thực để đưa ý tưởng vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, chúng tôi đã phối hợp với các đối tác để tạo nhiều sân chơi sáng tạo ý tưởng xanh dành cho giới trẻ Việt.
Mới đây, chúng tôi cùng UNESCO đã công bố Giải thưởng Nghệ thuật Tái chế nhằm tìm kiếm những tài năng sáng tạo trong việc phát triển các tác phẩm nghệ thuật bằng việc sử dụng vật liệu tái chế. Theo đó, những người tham gia đươc khuyến khích đề xuất ý tưởng cho các dự án nghệ thuật và thiết kế trưng bày ngoài trời để tái sử dụng rác thải nhựa và nhôm – đây cũng là vật liệu chính được sử dụng cho các dự án này. Đặc biệt, chương trình sẽ hỗ trợ tài chính với số tiền tối đa 100 triệu đồng để hiện thực hóa các ý tưởng đó.
Khi kết hợp với nhiều đối tác khác thực hiện chiến dịch không xả rác thải ra môi trường, Coca-Cola Việt Nam phát hiện ra điều gì thú vị nhất khi thực hiện?
Chúng tôi nhận thấy rằng không một công ty, tổ chức, chính phủ hoặc cá nhân có thể tự mình giải quyết vấn đề rác thải. Và chúng tôi rất vui khi có nhiều đối tác cũng có cùng mục tiêu hướng đến một Thế Giới Không Rác Thải. Theo đó, chúng tôi cùng với đối tác cũng có nhiều hoạt động riêng với mong muốn truyền cảm hứng đến người tiêu dùng về việc tái chế như một phần của phong cách sống không rác thải và thân thiện với môi trường.
Một khi chúng ta phối hợp, hành động cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt đầy ý nghĩa và lâu dài. Điều đó càng giúp chúng tôi có thể niềm tin về một Thế giới không rác thải trong tương lai.