Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) và CTCP GTNFoods vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.
Một trong những nội dung quan trọng là sáp nhập hai công ty. Theo kế hoạch, Vilico sẽ phát hành thêm cổ phiếu hoán đổi lấy 250 triệu cổ phiếu, tương ứng 100% cổ phần GTN, đồng thời hủy 47 triệu cổ phiếu của GTN trong VLC (tương ứng tỷ lệ 74,49% vốn điều lệ). Sau khi hoàn tất hoán đổi, các cổ đông GTN sẽ trở thành cổ đông VLC. Tỷ lệ hoán đổi thực hiện là 1 cổ phiếu GTN đổi lấy 0,625 cổ phiếu VLC.
Phương án sáp nhập GTN vào VLC có thể giúp tập trung nguồn lực phát triển định hướng mới của VLC là chăn nuôi bò thịt, cũng như mảng cốt lõi ngành sữa với hạt nhân là Mộc Châu Milk.
Vilico trình lên kế hoạch phát triển dự án chăn nuôi bò thịt quy mô 20.000 con/năm, tổng mức đầu tư không quá 1.700 tỷ đồng.
Theo bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch HĐQT Vilico, với 100 triệu dân và phần lớn bò thịt hiện nay là nhập khẩu, dư địa thị trường Việt Nam còn rộng lớn.
Bà Liên cho biết, lợi thế của Vilico đầu tiên là đất đai trên Tam Đảo – Vĩnh Phúc; thứ hai là nguồn giống từ Vinamilk – Mộc Châu Milk mỗi năm hàng chục ngàn con bê.
"Có thể nói đầu vào của chúng tôi gần như là 0 đồng", bà Liên nói.
"Đây là dự án đầu tiên của Vilico với quy mô tập trung, chúng tôi sẽ xây trang trại sử dụng năng lượng mặt trời như 12 trang trại Vinamilk đang làm hiện nay. Thị trường này chúng tôi không coi ai là đối thủ, nó quá rộng và ai tham gia cũng vui".
Tổng giám đốc Vilico – ông Trịnh Quốc Dũng cho biết, Vilico có sẵn 75 ha đất nông nghiệp tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Dự án đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đã trình lên các cơ quan của tỉnh.
Ông Dũng tính toán rằng sẽ mất khoảng 30 tháng để xin cấp phép, đầu tư trang trại, nhà máy chế biến… để sản phẩm thịt bò Vilico có thể tung ra thị trường.
Vilico sẽ thành lập một liên doanh với Sojitz (Nhật Bản) vốn 2 triệu USD, trong đó Vilico nắm 51%. Nhiệm vụ của công ty này là xây dựng thương hiệu, hệ thống bán hàng. Sản phẩm nhắm vào phân khúc trung cao cấp.
"Doanh số bán hàng dự kiến từ 2.000 – 2.500 tỷ đồng mỗi năm", ông Dũng tiết lộ tính toán.
"Nếu có hiệu quả, chúng tôi sẽ triển khai thêm tại các tỉnh khác, thậm chí là ra nước ngoài. Chúng tôi quyết tâm làm đến nơi đến chốn, mảng chăn nuôi sẽ mang lại hiệu quả cho Vilico sau này", Tổng giám đốc Trịnh Quốc Dũng nói.
Đối với Mộc Châu Milk, bà Mai Kiều Liên nói rằng định hướng công ty đã được triển khai rõ ràng từ năm 2020.
Trong năm vừa qua, công ty đã quản trị lại doanh nghiệp từ đó tiết kiệm được khá nhiều tiền ở mọi quy trình. Giá sữa bán cho người nông dân tốt và thu nhập nhân viên được cải thiện. Tầm nhìn dài hạn của Mộc Châu Milk là một dự án du lịch kết hợp tham quan trang trại bò sữa và nhà máy.
"Đó là một dự án tương đối lớn và đẹp", bà Liên nói.
"Vấn đề đang vướng mắc bây giờ là đất đai, sẽ phải chuyển đổi một chút, chúng tôi đang xử lý. Trong năm năm tới, Mộc Châu sẽ biến thành thủ phủ chăn nuôi, du lịch, sản xuất sữa rất hiện đại. Chúng tôi đang làm tăng năng suất sữa lên, các nông hộ đã cải tiến rõ trong quy trình chăn nuôi. Chúng tôi đang áp dụng các cách làm của Vinamilk vào Mộc Châu Milk. Đàn bò có thể không tăng lên, nhưng năng suất chắc chắn tăng".