Hơn ba năm đã qua kể từ mùa hè năm 2016, Chính phủ mới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã qua nghìn lẻ một đêm trăn trở đếm sao cùng doanh nghiệp và nói như Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, không ngày nào Chính phủ không sốt ruột...
Ông Lộc còn thấy rằng: "Chính phủ không chỉ trăn trở, sốt ruột, mà còn đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp và mang đến cho họ, cả bánh mì và hoa hồng". Kết quả của tấm chân tình này, có thể nhìn từ kết quả điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, 87,9% doanh nghiệp tin vào nền kinh tế sẽ ổn định và tốt hơn.
Chuyện cổ tích mùa hè
Trở về mùa hè của 3 năm trước, tháng 4/2016, cả cộng đồng doanh nghiệp xáo động về thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trực tiếp đối thoại với họ. Xáo động là bởi, nhiều nhiệm kỳ trước đây, thường thì người đứng đầu Chính phủ chỉ đối thoại ở diện hẹp, với thành phần tham dự là doanh nghiệp nhà nước.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, lúc ấy là TS. Nguyễn Đình Cung thấy rất "hiếu kỳ" về việc đối thoại trên diện rộng như vậy, thì Thủ tướng muốn nghe điều gì nhất?
Giới chuyên gia cũng hiếu kỳ, bởi thương trường đã là đại chiến trường, với một bộ phận doanh nghiệp sẵn sàng tiêu diệt lẫn nhau vì lợi nhuận, sẵn sàng lao vào nhau vì cuộc chạy đua kinh doanh quyền lực, chà đạp lên mọi giá trị, để mưu tính trục lợi cho bản thân, Thủ tướng sẽ xung trận thế nào, có đủ dũng khí, chí công vô tư để chặn xu hướng trên, thiết lập môi trường kinh doanh chân chính, thúc đẩy sự phát triển chung cho cả cộng đồng doanh nghiệp không?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện một quyết tâm rất cao trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp. Chứng minh cho quyết tâm này, ông nổ "phát súng" đầu tiên mang tên "Xin chào".
Ngay trước thềm hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, dư luận râm ran về vụ việc quán phở cà phê Xin chào, một hộ kinh doanh rất nhỏ ở Tp.HCM có nguy cơ mắc oan pháp đình. Sự việc này đến tai, Thủ tướng lập tức có yêu cầu ngừng hình sự hóa theo đúng quy định pháp luật, theo đúng chức năng của cơ quan có thẩm quyền.
Nếu lúc bấy giờ, chủ quán phở cà phê Xin chào thua sẽ đưa ra thông điệp rất xấu, đó là mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể đi tù. Thủ tướng chỉ chần chừ một chút trong ra quyết định này, hẳn là con đường đi đến trái tim doanh nghiệp càng thêm muôn phần khó khăn.
"Xin chào" có được một kết thúc có hậu. Song vĩ thanh của nó, sẽ luôn là những âm điệu phấp phỏng của âu lo, khi chỉ một hộ kinh doanh nhỏ lẻ như "Xin chào" mà cũng còn bị uy hiếp bởi sự cấu kết của quyền lực, của lợi ích cục bộ thì với những doanh nghiệp lớn hơn, áp lực này còn nhân lên gấp bội.
Thủ tướng yêu cầu cần coi người dân và doanh nghiệp là đối tác của mình, chứ không phải là đối tượng. Có như vậy mới thể hiện được tính nhân văn của cách quản lý nhà nước hiện đại. Nhưng ai cũng thấy, được như vậy quá tốt, chỉ là những nhà quản lý ở các cấp lấy gì để bỏ túi? Và bởi vậy, câu chuyện cổ tích mùa hè vẫn còn tiếp tục, không thể chỉ dừng ở Xin chào...
Nhổ cả rừng đinh
"Chúng ta có thể hình dung ra cả một rừng đinh mà những người đầu tư sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam đang gặp phải", ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đại biểu Quốc hội khóa XIII, khi chứng kiến diễn biến này đã gửi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, "Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Thủ tướng sẽ kiên quyết chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương dọn dẹp sạch sẽ rừng đinh theo đúng tinh thần Hiến pháp và Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.
Thủ tướng đặt vấn đề rất đúng, "Tại sao chúng ta chậm trễ? Thứ nhất là thể chế, thứ hai là thực thi công vụ. Tôi nghĩ rằng tình trạng thực thi công vụ ở nước ta hiện nay đang ngáng đường thể chế, vì vậy nhiệm vụ của Chính phủ là phải loại bỏ bằng được những vật cản đường đó, theo đúng tinh thần là ai không làm được việc, ai thực thi công vụ có vấn đề thì phải đứng sang một bên, không để họ cản trở đổi mới".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ liên tục thực hiện gắt gao việc rà soát vật cản và quyết liệt các giải pháp nhổ đinh, hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Ông đồng thời đề nghị các thành viên Chính phủ trước cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra các thông điệp cũng như các cam kết mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về vấn đề này.
Theo đó, cùng với Thủ tướng, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ yêu cầu mỗi cán bộ thi hành công vụ phải lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, vòi phong bì, loại bỏ chi phí ngoài luồng và xử lý nghiêm minh các vi phạm.
Thực hiện công khai minh bạch các chủ trương, chính sách, kế hoạch, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, chống mọi biểu hiện tiêu cực, quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, thao túng chính sách để trục lợi, xây dựng văn hoá doanh nhân và đạo đức doanh nghiệp. Nâng cao năng lực của bộ máy tư pháp trong việc bảo vệ quyền sở hữu của công dân, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói về các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ ban hành nhằm giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan tới tất cả các bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn có thể nói là rất lớn của doanh nghiệp, ở tất cả các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là về đất đai, tiếp cận vốn, chi phí vốn, thuế và bảo hiểm, và vấn đề bao trùm lên tất cả các lĩnh vực là thủ tục hành chính.
Theo ông Vũ Đức Đam, "Tất cả chúng ta cần quyết tâm, cụ thể và thiết thực trong hành động bởi doanh nghiệp không cần chung chung; lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng cũng không cần chung chung".
Bộ trưởng Công an Tô Lâm quả quyết tăng cường cung cấp thông tin phục vụ cho doanh nghiệp lựa chọn các đối tác đầu tư, hợp tác. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất. Phối hợp với các ngành, địa phương giải quyết kịp thời có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh, nhất là các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, đình công của công nhân, không để hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự, không để các thế lực thù địch, kẻ xấu lợi dụng chống phá...
"...Cây đa dựa thần, thần dựa cây đa"
Chính phủ sẽ vẫn tiếp tục tháng năm không ngừng nghỉ "đếm sao" cùng doanh nghiệp chứ không chỉ là nghìn lẻ một đêm. Nhưng những chuỗi ngày vừa qua chắc chắn sẽ đi vào lịch sử phát triển của doanh nghiệp Việt, bởi đó là chặng đường không thể nào quên, mở ra thời kỳ ngẩng cao đầu của doanh nghiệp trong đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước, từ thông điệp rất dân giã của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, "Doanh nghiệp, Chính phủ là cây đa dựa thần, thần dựa cây đa".
Trong 3 năm qua, đi cùng với sự phát triển của cả nền kinh tế, các con số liên quan đến phát triển doanh nghiệp đều vượt bậc, thậm chí đạt đến ngưỡng kỳ tích. Năm 2016, lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành lập mới vượt 100 nghìn doanh nghiệp. Năm 2017, kỷ lục được phá vỡ khi có khoảng 127 nghìn doanh nghiệp được thành lập.
Kỳ tích tiếp tục với năm 2018, hơn 130 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới. 9 tháng năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục đạt kỷ lục với 102.000 doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Nhìn vào thời điểm trước đó, mới càng thấy dấu ấn của "nghìn lẻ một đêm". Vào giữa năm 2012, thời điểm bắt đầu diễn ra cao trào doanh nghiệp "chết". Tình hình rất đỗi bi kịch khi doanh nghiệp chết và doanh nghiệp mới sinh ra gần bằng nhau.
Nếu như năm 2007, chỉ có khoảng 15%-20% doanh nghiệp đóng cửa trong tổng số doanh nghiệp được thành lập thì quý I năm này có tới hơn 22.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động dưới mọi hình thức, trong khi số thành lập mới chỉ là hơn 24.000.
Khi đó, Chính phủ cũng đưa ra một số giải pháp hỗ trợ, nhưng như các bình luận tại nghị trường thời điểm đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra rằng, Chính phủ chưa có thực tâm, chưa có chân tình trong cứu doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nói, "Chính phủ cũng có ưu điểm là đã ra được gói giải pháp để giúp đỡ doanh nghiệp và hỗ trợ thị trường. Nhưng khuyết điểm của Chính phủ là gói cứu trợ chậm. Cũng như trong chữa bệnh, nếu bị hắt hơi, sổ mũi chỉ cần uống tiffi là khỏi ngay. Còn để đến khi người đã chết hoặc ốm nặng mới đổ xô vào để cứu thì người chết không bao giờ sống lại được và ốm nặng thì khó được phục hồi".
Tỏ ra nhiều nuối tiếc, vị đại biểu này thở dài, "Ngay khi thấy gặp khó khăn mà chúng ta đưa gói cứu trợ sớm thì mọi việc có thể đã tốt hơn. Nhưng Chính phủ chưa biết lắng nghe".
Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) cũng nhận xét, "Tình hình doanh nghiệp đang là một bức tranh rất xấu. Nếu thực sự chúng ta muốn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn hiện nay thì Chính phủ cần xem xét giải pháp toàn diện, cần có thêm nhiều giải pháp tích cực hơn, hiệu quả hơn để giúp doanh nghiệp, chứ đừng quá so đo"...
Dù vậy, tất cả những tiếng nói đó, cuối cùng chỉ để "Chuyển động không khí" như nhận xét của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền. Kết quả là sức khỏe doanh nghiệp ngày càng lao dốc, kéo theo tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 của cả nền kinh tế chỉ đạt 5,9% thấp hơn mức 7% của giai đoạn trước và thấp hơn kế hoạch đề ra.
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung mô tả về doanh nghiệp thời ấy, "Phần lớn trong số họ không có tiếng nói mà chỉ lầm lũi thinh lặng như đang đi trên cái cầu khỉ, lưng bị đè nặng bởi khối đá mệnh lệnh, họ cúi đầu dò dẫm từng bước một để sao cho khỏi rơi xuống sông, không thể ngẩng đầu lên cũng như không thể nhìn xa ra bên ngoài được, nên luôn trong tình trạng ưu phiền, kiệt sức".