Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ 3 liên tiếp với nhiều cổ phiếu công nghệ tụt giảm hàng chục phần trăm. Đây là một cú sốc với nhiều nhà đầu tư nhưng là cần thiết cho thị trường và là tín hiệu tốt cho ông Donald Trump.
Ba ngày hoảng loạn
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch 8/9 (rạng sáng 9/9 giờ Việt Nam) tiếp tục giảm mạnh phiên thứ ba liên tiếp, với tổng mức giảm trong ba phiên lên tới 7-11%.
Chỉ trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tụt giảm 4,1% xuống dưới 10.850 điểm; chỉ số công nghiệp Dow Jones đánh mất hơn 630 điểm, trong khi chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm 2,8%.
Như vậy, trong 3 phiên, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đã giảm 10%, còn S&P 500 giảm gần 7%.
Nhóm cổ phiếu công nghệ giảm mạnh nhất. Cổ phiếu Tesla của tỷ phú nổi tiếng Elon Musk giảm kỷ lục 21,1% trong phiên đêm qua sau khi S&P Dow Jones Indices quyết định không thêm cổ phiếu đang bị đầu cơ mạnh này vào chỉ số S&P 500.
Trong phiên đêm qua, nhiều cổ phiếu công nghệ khác giảm mạnh như: Apple và Microsoft mất 6,7%; Facebook và Amazon đều giảm hơn 4%; Alphabet mất 3,6%...
Cú giảm giá mạnh trong phiên giao dịch 8/9 không bất ngờ bởi đã được dự báo từ trước theo quy tắc 3 ngày vốn đã được tổng kết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Theo đó, các đợt bán tháo sâu thường cần ít nhất 3 ngày để “giũ sạch” những người bán hoảng loạn.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp. |
Theo Market Watch, sở dĩ chứng khoán Mỹ giảm mạnh bởi trước đó cổ phiếu Mỹ đã có một chuỗi ngày tăng giá kéo dài nhiều tháng. Trong ngày 2/9, các chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt lập đỉnh lịch sử thứ 22 và 43 năm nay còn Dow Jones lần đầu đóng cửa trên 29.000 điểm từ tháng 2, chỉ thấp hơn 2% so với đỉnh lịch sử ngày 12/2.
Các cổ phiếu trụ cột trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm được cho là bởi mức định giá đã vượt quá xa mức lịch sử. Các chỉ báo kỹ thuật như nợ margin cao, trong khi các quỹ tương hỗ dốc tiền vào thị trường. Đây là các tín hiệu báo hiệu thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh.
Trên CNBC, Tesla thậm chí bị gọi là cổ phiếu nguy hiểm nhất phố Wall sau cú tăng giá hơn 400% trong năm nay. Một số chuyên gia cho rằng, các nguyên tắc cơ bản không hỗ trợ mức giá và định giá cao như vậy.
Trong suốt 8 tháng qua, giới đầu tư đánh cược vào cổ phiếu Tesla sau khi doanh nghiệp của Elon Musk ghi nhận số lượng xe bán tăng vọt, doanh thu tăng mạnh và đây là doanh nghiệp có đóng góp lớn trong việc thúc đẩy xu hướng và làm cho xe điện trở nên phổ biến hơn.
Tuy nhiên, mức tăng giá dữ dội thêm vài lần từ đầu năm đến nay và giúp giá trị vốn hóa của Tesla vượt xa các nhà sản xuất ô tô toàn cầu là điều mà nhiều chuyên gia vẫn chưa thực sự hiểu được.
Chứng khoán Mỹ giảm còn do nhóm cổ phiếu bán dẫn chịu sức ép trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang. Các cổ phiếu như Nvidia, Micron, Applied Materials, Advanced Micro Devices đều giảm từ 3% tới 9%.
Cổ phiếu Tesla giảm lịch sử hơn 21% trong một phiên sau khi tăng khoảng 400% kể từ đầu năm. |
Chứng khoán giảm sớm, điều tốt lành với ông Trump
Mặc dù thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhưng không ít tổ chức cho rằng xu hướng đi lên vẫn chưa thay đổi trong bối cảnh lãi suất thấp được đánh giá sẽ được duy trì trong vòng 5 năm tới và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tỏ rõ ý định bơm thêm tiền vào thống tài chính, chính phủ Mỹ tung thêm gói kích thích.
Theo SunTrust Advisory, thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh từ tháng 3 nhưng mới chỉ có 2 đợt điều chỉnh giảm hơn 5%, trong khi các thị trường giá lên thường có 3-4 lần điều chỉnh trong vòng 9 tháng đầu tiên.
Nhiều nhà đầu tư lạc quan cho rằng, những đợt biến động giảm là cần thiết cho một thị trường đi lên. Đợt giảm lần này chỉ là những bước lùi cho những bước tiến mạnh mẽ hơn trong tương lai khi mà dòng tiền trên thị trường rất lớn.
Những đợt điều chỉnh giảm như vừa qua là cần thiết để xóa bỏ phần nào sự phấn khích từ việc định giá cổ phiếu vượt xa những thước đo thường dùng khi so sánh các tài sản ngang hàng.
Với ông Donald Trump, sự gia tăng của thị trường chứng khoán là điều tốt lành. Chứng khoán giảm là điều mà vị tổng thống Mỹ này không mong muốn. Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán điều chỉnh vào thời điểm này được cho là một điều tốt đẹp với ông Trump khi mà cuộc bầu cử còn gần 2 tháng nữa mới diễn ra.
Gần đây, ông Trump liên tục ra đòn tấn công Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng cho biết sẽ hạn chế bớt mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và biến Mỹ thành siêu cường sản xuất.
Ông Donald Trump có nhiều lợi thế từ việc chứng khoán tăng giá trong thời gian qua. |
Ông Trump dọa sẽ trừng phạt bất kỳ công ty Mỹ nào tạo việc làm ở nước ngoài, đồng thời cấm những tổ chức làm ăn với Trung Quốc giành được các hợp đồng liên bang, biến Trung Quốc trở thành chủ đề chính của đợt bầu cử lần này.
Chính quyền Washington đang xem xét đưa vào danh sách đen Công ty Quốc tế Sản xuất Bán dẫn Thượng Hải (SMIC), gã khổng lồ trong ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Đây là áp lực mới nhất mà chính quyền ông Trump nhắm vào các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc, sau khi đã tấn công ZTE, Huawei, TikTok,... SMIC có thể sẽ theo bước Huawei trở thành ông lớn công nghệ tiếp theo của Trung Quốc bị truất quyền truy cập vào các công nghệ và thiết bị của Mỹ.
Nếu Mỹ thực sự đưa SMIC vào danh sách đen, doanh nghiệp này sẽ bị suy giảm nghiêm trọng khả năng cải tiến công nghệ bởi các thiết bị của Mỹ là không thể thiếu cho quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn hiện đại.
Những đòn tấn công của ông Trump nhắm vào Trung Quốc khiến cổ phiếu công nghệ Trung Quốc lao dốc và cổ phiếu nhiều ông lớn công nghệ Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, việc thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh sau một đợt tăng dài liên tiếp lập kỷ lục là cần thiết. Đây cũng là thời điểm hợp lý. Nếu thị trường chứng ổn định hoặc tăng trở lại ngay trước thềm cuộc bầu cử 3/11 thì đó sẽ là lợi thế cho ông Trump.
M. Hà