Đại gia hay "trùm đa cấp"?
Ông Vũ Hữu Lợi, cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Modern Tech - đơn vị đứng sau dự án đang bị tố lừa đảo 15.000 tỷ đồng, là người đã chi ra 15 tỷ đồng để nắm giữ 15% vốn và lợi ích tại công ty.
Vũ Hữu Lợi được giới thiệu là vị triệu phú USD thứ 97 của Vision - "một tập đoàn nổi tiếng thế giới có trụ sở đặt tại Việt Nam". Tên tuổi nhân vật này nổi như cồn vào năm 2014 khi ông tiết lộ ảnh chụp bên dàn siêu xe trị giá hàng trăm tỷ đồng cùng hàng loạt đồ hiệu đắt tiền.
Bộ sưu tập siêu xe của đại gia này được cho là phải kể tới các loại đình đám như Lamborghini, Bentley CFS Speed, Rollsroyce Ghost, Lexus LX570, Mercedes S550, BMW X6, Lexus RX, Audi Q7,...
Ông Vũ Hữu Lợi từng xuất hiện trên truyền thông với mô tả như một đại gia chịu chơi bậc nhất Việt Nam cùng tài sản hàng trăm tỷ đồng
Đại gia nổi tiếng |
Tỷ phú Thái dọn đường vào Sabeco
Tổng Công ty CP Bia Rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 23/4. Theo nội dung dự kiến, Đại hội đồng cổ đông sẽ tiến hành miễn nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị với ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco.
Sabeco cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông tin về một số ứng cử viên để bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị.
Ba ứng viên được đề cử vào HĐQT Sabeco đều mang quốc tịch nước ngoài, gồm: Ông Koh Poh Tiong (quốc tịch Singapore), hiện là Chủ tịch HĐQT Beer Group (công ty đang sở hữu 49% công ty mẹ của Công ty TNHH Vietnam Beverage). Ông Tan Tiang Hing, Malcolm (quốc tịch Malaysia), hiện là CEO Công ty Dexcel International và từng làm cho Heneiken. Cuối cùng là ông Sunyaluck Chaikajornawat (quốc tịch Thái Lan).
Siêu lừa Lương Bằng
Nguyễn Lương Bằng, 48 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cầm đầu lừa 100 ô tô tự lái khiến hàng trăm người dân ở Hà Tĩnh. Bằng đã thuê xe tự lái của một số công ty trên địa bàn TP, Hà Nội rồi đưa về Hà Tĩnh bán rẻ cho những hộ dân, dưới vỏ bọc là hợp đồng cho thuê xe tự lái. Sau đó, đối tượng đã bỏ trốn khi đã lừa đảo trót lọt gần 100 chiếc xe.
Liên quan với một tội danh khác trong quá trình điều tra mở rộng vụ án, CQĐT xác định từ năm 2016, Nguyễn Lương Bằng đã thực hiện trò lừa đảo bằng việc hứa hẹn với nhiều người sẽ “xin giúp” vào ngành công an. Từ tháng 9/2016 đến tháng 9/2017, Bằng đã nhận của anh Phạm khoảng 5,5 tỷ đồng và 130.000 USD; trong đó 60.000 USD và 230 triệu đồng để xin cấp biển số xe ô tô, số tiền còn lại để “xin” cho 18 trường hợp được tuyển dụng vào ngành công an.
Dũng 'thẹo' lừa 500 tỷ trốn sang Mỹ
Dũng "thẹo" - tức Nguyễn Đức Dũng, SN 1975, chủ garage ôtô Hùng Dũng số 20 đường Cộng Hòa, phường 4, quận Tân Bình trốn đi Mỹ đã làm rúng động giới buôn bán xe ô tô ở TP.HCM.
Từ thân phận nghèo hèn, chuyên trốn chui trốn lủi, cả hai vợ chồng không mua nổi một chiếc xe máy, hàng ngày muốn đi đâu Dũng "thẹo" phải quá giang xe máy của người quen, bỗng chốc làm chủ một salon xe hơi hoành tráng trị giá hàng triệu đôla, Dũng "thẹo" thấy mình cần phải lên đời.
Qua điều tra ban đầu, Cơ quan điều tra (CQĐT) tạm xác định, Nguyễn Đức Dũng đã lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều cá nhân khoảng 2,5 triệu USD, gần 40 tỉ đồng Việt Nam và nhiều tài sản có giá trị khác như xe hơi đắt tiền, đất đai và bất động sản khác.
Vợ chồng Hotdeal tranh chấp tài sản hơn 25 tỷ
Bà Trần Thị Kim Hằng (vợ ông chủ Hotdeal - một dịch vụ mua bán trực tuyến nổi tiếng) đã nộp đơn ra TAND quận Tân Bình yêu cầu được phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân với chồng là ông Nguyễn Thành Vạn An. Hai vợ chồng được biết đến là chủ của công ty cổ phần Hotdeal, Vinabook (thuộc Công ty MeKongCom).
Ông An phải chia tài sản, bao gồm: 50% tài sản của Công ty TNHH quảng cáo An Khang, tức 3,5% cổ phần Hotdeal trị giá 2,5 tỷ; 50% tài sản là số cổ phần tương ứng mà ông An được hưởng trong công ty cổ phần Hotdeal, trị giá 12.375 tỷ đồng; 50% giá trị tài sản mà ông An nhận từ việc công ty Vinabook bán cổ phần cho công ty Transcosmos Việt Nam, tương đương 7.425 tỷ đồng; 10% giá trị gia tăng của công ty Vinabook, tương đương 3 tỷ đồng.
Theo đó, tổng giá trị tài sản mà bà Hằng yêu cầu ông An phải chia là 25,3 tỷ đồng.
Trịnh Văn Quyết rớt xuống vị trí số 3
Túi tiền khổng lồ của ông Trịnh Văn Quyết - nằm chủ yếu ở cổ phiếu ROS - cũng đã bốc hơi ở mức gần tương ứng, mất khoảng một nửa, xuống chỉ còn gần 33 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD).
Ông Trịnh Văn Quyết |
Như vậy sau phiên 12/4, tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã chính thức rớt hạng xuống vị trí thứ 3 (theo cách tính tài sản dựa trên tổng giá trị cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán) sau nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không VietJet.
Ông Quyết là chủ tịch Tập đoàn FLC, người đã thâu tóm và đưa ROS từ một doanh nghiệp không mấy người biết đến trở thành một tên tuổi thu hút sự chú ý giới đầu tư chứng khoán. FLC Faros là một doanh nghiệp xây dựng và bất động có số dự án đang thi công rất lớn như Ngọc Vừng (Quảng Ninh), Cù Lao Xanh (Bình Định),...
Bà Nguyễn Thanh Phượng xin không nhận thù lao năm 2018
Bà Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch HĐQT VCSC đề xuất Hội đồng quản trị VCSC không nhận thù lao trong năm 2018. Theo giới thiệu của VCSC, bà Nguyễn Thanh Phượng hiện là Chủ tịch HĐQT, sáng lập viên Bản Việt (Viet Capital). Bà Phượng cũng là thành viên sáng lập của Công ty Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities - VCSC) và Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt (Viet Capital Asset Management - VCAM).
Bà đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VCSC và VCAM kể từ thời điểm thành lập năm 2007. Bà Phượng cũng là Thành Viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank).
Với thành quả kinh doanh rất tốt trong 2017, ban điều hành DN đã được dự trả thù lao và chia thưởng hàng trăm tỷ; mặc dù chưa công bố nhưng con số dự kiến trả thù lao nếu có của HĐQT cũng như cho riêng bà Phượng cũng sẽ rất lớn.
Ông Hồ Hùng Anh chia tay Massan, về Techcombank
Ông Hồ Hùng Anh từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch, cũng như thành viên HĐQT của Masan từ ngày 13/4, để tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).
Tại Masan, cá nhân ông Hùng Anh không còn nắm cổ phiếu nào. Trong khi đó vợ và em dâu ông Hùng Anh nắm lần lượt 5,7 triệu (chiếm 0,54%) và 6,8 triệu cổ phiếu (0,64% số cổ phiếu đang lưu hành) Masan. Còn tại Techcombank, ông đang sở hữu hơn 13 triệu cổ phiếu với giá giao dịch trên sàn OTC vào khoảng 115.000 đồng.
Trước đó, ông Dương Công Minh chính thức từ bỏ vị trí Chủ tịch tại các đơn vị khác như CTCP Him Lam, CTCP Dụng cụ Thể thao Bảo Long, CTCP Phát triển Xín Mần hay CTCP Chứng khoán Liên Việt để toàn tâm toàn ý với chức Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Sacombank.
Ông Hồ Hùng Anh |
Tương tự, một loạt đại gia khác như bầu Hiển đã tuyên bố chọn ghế Chủ tịch SHB, từ bỏ ghế Chủ tịch Tập đoàn T&T và Chứng khoán SHS, ông Đỗ Minh Phú quyết định thôi làm Chủ tịch HĐQT của Doji Group và tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT TPBank.
Sếp 8x của Gelex
HĐQT Gelex đã ra quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tuấn (SN 1984) làm Tổng Giám đốc, đồng thời cũng là người đại diện theo pháp luật.
Trước đó, ngày 3/1/2018 vừa qua ông Tuấn đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT Gelex thay cho ông Nguyễn Hoa Cương - người trước đây là đại diện phần vốn của Bộ Công Thương.
Dù chưa lộ mặt trên truyền thông bao giờ nhưng cái tên Tuấn đã được biết đến trong vai trò là Phó Chủ tịch HĐQT của CTCK IBSC (mã: VIX) - vốn là công ty chứng khoán Xuân Thành trước đây của bầu Thụy.
Bảo Anh (Tổng hợp)