Theo dữ liệu thời gian thực từ Forbes, ngày 15/3/2022, Việt Nam có 6 đại diện trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Bảng xếp hạng của Forbes cho hay, ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch HĐQT Vingroup) vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản 6,1 tỷ USD và đứng thứ 407 trong danh sách toàn cầu.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet Air) là người giàu thứ hai theo danh sách, với tài sản 3,2 tỷ USD và đứng thứ 930 toàn cầu. Theo bảng dữ liệu thời gian thực, tài sản của CEO VietJet Air đã tăng 118 triệu USD, giúp cho bà vượt qua ông Trần Đình Long xếp thứ hai trong danh sách.
Nguồn: Forbes
Ông Trần Đình Long (Chủ tịch HĐQT Hòa Phát) tạm thời ở vị trí thứ ba với tài sản 3,1 tỷ USD và đứng thứ 953 trong danh sách toàn cầu.
Trước đó, vào đầu tháng 3 theo dữ liệu thời gian thực, lần đầu tiên ông chủ Hòa Phát lọt top 1.000 người giàu nhất hành tinh và cũng là lần đầu tiên Việt Nam có có 3 tỷ phú nằm trong danh sách này.
Ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch HĐQT Techcombank) nắm giữ vị trí thứ tư với 2,3 tỷ USD, đứng thứ 1322 toàn cầu.
Ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT Masan) đứng thứ năm với 1,8 tỷ USD, đứng thứ 1598 và ông Trần Bá Dương (Chủ tịch HĐQT Thaco) đứng thứ sáu, với 1,6 tỷ USD, đứng thứ 1788 toàn cầu. Tổng tài sản của các tỷ phú Việt Nam hiện là 18,1 tỷ USD.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở Hà Nội. Năm 17 tuổi, bà Thảo thi đỗ đại học Ngoại Thương Hà Nội và sau đó được đi du học Đông Âu. Trong cộng đồng du học sinh lúc bấy giờ, bà Thảo nhanh chóng nổi lên nhờ thành tích học tập xuất sắc. Ở tuổi 27 bà đã nhận tấm bằng Tiến sỹ Điều khiển học kinh tế, cùng với 2 tấm bằng cử nhân Quản lý kinh tế lao động và cử nhân Tài chính tín dụng.
Thời điểm này, nhận thấy thị trường Đông Âu thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm nên bà Thảo kinh doanh đủ thứ, từ hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á sang Đông Âu. Đồng thời, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm và cần thiết như phân bón, sắt thép, thiết bị…
Sau 3 năm tích lũy nhờ buôn bán hàng hóa qua lại giữa các nước, bà Thảo có trong tay 1 triệu USD khi chỉ mới 21 tuổi. Trở về Việt Nam, bà Thảo tham gia sáng lập và điều hành 2 ngân hàng tư nhân là VIB và Techcombank, sau đó đầu tư vào HDBank.
Nổi bật nhất là việc bà Thảo lập ra Vietjet Air, giúp nhiều người được bay với giá rẻ. Bà Thảo lần đầu vào danh sách tỷ phú năm 2017, được Forbes xác định sở hữu 1,2 tỷ USD. Đến tháng 3/2018, tài sản bà Thảo tăng vọt lên 3,1 tỷ USD nhưng giảm 2 năm sau đó.