Trao đổi với BizLIVE về thị trường lao động cuối năm 2021, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động - việc làm Việt Nam đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ ba và thứ tư của đại dịch Covid-19.
Mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động - việc làm trong nước, nhưng vẫn nhiều người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó một bộ phận người lao động bị mất việc, phải tạm nghỉ/tạm ngừng việc, bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và bị giảm thu nhập.
Trên cả nước, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong 6 tháng đầu năm 2021 là 57,2%, tăng 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở khu vực nông thôn là 64,5%, tăng 2,4 điểm phần trăm, tỷ lệ này ở nữ là 52,7%, tăng 2,2 điểm phần trăm, mức tăng này cao gấp 1,4 lần so với nam giới (tăng chỉ 1,5%).
5 THÁNG CUỐI NĂM ĐẶT RA NHIỀU THÁCH THỨC
Ông Vũ Quang Thành cho biết, hiện nay trên cả nước nói chung đang tăng cường thực hiện những biện pháp đảm bảo phòng chống Covid-19 như thực hiện giãn cách xã hội, mở rộng tiêm chủng vaccine.
Dự báo về thị trường lao động trong thời gian tới, theo ông Thành, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 5 tháng cuối năm 2021 đặt ra nhiều thách thức. Khả năng phục hồi thị trường lao động - việc làm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tình hình phục hồi kinh tế - xã hội.
Nhiều doanh nghiệp hiện tại đang thu hẹp quy mô sản xuất, buộc người lao động phải tạm nghỉ hoặc tạm dừng công việc, sẽ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm ứng viên ở những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế - xã hội có dấu hiệu khởi sắc, phục hồi trở lại sẽ là những động lực quan trọng và mạnh mẽ thúc đẩy thị trường lao động việc làm hồi phục.
Ông Thành nhận định, thời điểm này đến cuối năm, người lao động cũng không có tư tưởng thôi việc bởi Tết Nguyên đán cận kề, nhiều người mong mỏi lương Tết và chế độ thưởng tháng thứ 13 từ các doanh nghiệp. Số lao động thất nghiệp sẽ giảm hẳn so với tháng 5 và tháng 6, một số doanh nghiệp tập trung mở rộng kinh doanh nên cần số lao động lớn người tham gia vào các dây chuyền sản xuất. Các hoạt động tuyển dụng, kết nối cung - cầu trên thị trường lao động cũng trở nên sôi động hơn so với giai đoạn trước đó.
BA NHÓM NGÀNH "HOT" CỦA MỘT XU THẾ
Ông Vũ Quang Thành cho rằng, trong bối cảnh ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đang mang đến rất nhiều thay đổi trong nội tại của thị trường lao động. Sự chuyển dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang khiến cho nhu cầu sử dụng lao động trong doanh nghiệp thay đổi.
Theo ông Thành có 3 nhóm ngành sẽ được doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng trong hiện tại và thời gian tới.
Thứ nhất, ngành công nghệ thông tin đóng vai trò là cốt lõi trong sự bùng nổ và phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, đánh dấu kỷ nguyên kết nối vạn vật qua Internet. Hiện nay, nhân lực của ngành nghề này luôn ở mức "khát" trong xã hội không chỉ về số lượng mà cả về nguồn nhất lực chất lượng cao. Không chỉ mỗi các doanh nghiệp về công nghệ mới cần đội ngũ chuyên viên về công nghệ thông tin mà ở mọi doanh nghiệp, muốn cạnh tranh được trên thị trường hiện nay cũng cần bổ sung đáng kể về nhân lực công nghệ thông tin.
Thứ hai, nhóm ngành tự động hóa, điện - điện tử, cơ điện tử, đây là ba ngành tâm điểm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có vai trò quan trọng gắn liền với robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo.
Hiện nay, nguồn nhân lực của những ngành nghề trên cần rất nhiều, đặc biệt là những ngành chế tạo, ngành công nghệ cao. Ba ngành học này trong tương lai là những ngành học "hot" và được săn đón bởi nhiều bạn trẻ. Cùng với xu hướng chuyển dịch của các doanh nghiệp về kỹ thuật, chế tạo công nghệ cao từ Trung Quốc sang các nước khu vực Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng nhằm phục vụ những doanh nghiệp trên là rất cao trong giai đoạn tới đây.
Thứ ba, ngành thương mại điện tử, song hành cùng cách mạng công nghiệp thì công việc buôn bán và thương mại cũng trở nên tự động hóa và công nghệ hóa với mức độ ngày càng cao. Con người sẽ sử dụng thông tin điện tử là hình thức để trao đổi hàng hóa. Đó cũng là lý do ngành thương mại điện tử gần đây rất phát triển và chắc chắn sẽ phát triển hơn nữa khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ mạnh mẽ trong tương lai gần. Gắn liền với hoạt động thương mại điện tử và thông tin hóa kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề liên quan khác như logictics, digital marketing,…
KẾT NỐI CUNG - CẦU PHÙ HỢP ĐỂ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG PHÁT TRIỂN
Đề xuất một số giải pháp để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, đảm bảo "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế, từ đó tạo điểm sáng cho thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành nhấn mạnh, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao ý thức trách nhiệm các cấp, các ngành và người dân về công tác phòng chống dịch. Thực hiện quyết liệt các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát tốt dịch Covid-19, tạo điều kiện phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh các ngành, lĩnh vực.
Đẩy mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan, bảo đảm thông quan để hàng hóa xuất, nhập khẩu nhanh hơn. Thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tập trung khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp, xây dựng các phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp sẵn sàng đáp ứng trong mọi tình huống của dịch.
Tiếp tục tăng cường rà soát, thu thập thông tin, cập nhật tình trạng việc làm của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt biến động lao động do ảnh hưởng từ dịch bệnh, đồng thời tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về cung – cầu trên địa bàn.
Đặc biệt, cần dự báo kịp thời về tình hình lao động việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh từ đó làm cơ sở để xây dựng các phương án kết nối cung- cầu phù hợp trong bối cảnh tình hình mới.
Ngoài ra, cần tiếp tục tổ chức triển khai, thực hiện các kế hoạch để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp tham gia vào thị trường lao động. Tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu lao động.