Không quá lo chuyện thịt thà cá tôm trong bữa ăn của gia đình, năm 2021 cọng hành, trái ớt hay quả cà chua mới là điều khiến các bà nội trợ và cả “đại gia” phải đau đầu vì giá tăng dựng đứng.
Quả cà chua sốt giá từ Bắc vào Nam
Những ngày cuối năm, khi đi siêu thị hay ra chợ mua quả cà chua với giá 60.000-80.000 đồng/kg, chắc nhiều người nhớ tới thời điểm đầu năm chung tay “giải cứu” loại quả này giúp nông dân với giá 4.000 đồng/kg (túi 5kg giá chỉ 20.000 đồng) do dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát tại Hải Dương.
Cùng thời điểm này, người nông dân trồng cà chua ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) phải bán với giá rẻ như cho, chỉ 1.000 đồng/3kg. Thậm chí, tại đây cà chua còn rơi vào tình trạng chín đỏ đồng không có người mua, nông dân đành để rụng thối tại ruộng.
Trái ngược với những ngày ế ẩm, bán đổ bán tháo với giá rẻ như cho hồi đầu năm, hơn một tuần nay, cà chua sốt giá một cách bất ngờ. Từ chợ đến siêu thị, từ Bắc vào Nam, giá cà chua đồng loạt tăng mạnh.
Đầy năm 2021, quả cà chua có giá rẻ như cho, thậm chí nhiều nơi người nông dân còn để chín đỏ rụng đầy ruộng (ảnh: TL) |
Nhiều nguyên nhân khiến cà chua sốt giá. Theo như các nhà vườn, siêu thị thì sở dĩ loại quả này bỗng đắt đỏ là vì nhiều thủ phủ cà chua chuyển đổi cây trồng thành ra nguồn cung khan hiếm. Cũng có người cho rằng do đang “tắc biên”, Việt Nam không thể nhập rau quả từ Trung Quốc, trong đó có cà chua, nên thị trường nội địa thiếu hụt nguồn hàng, giá theo đó tăng cao.
Ngoài ra còn có thông tin, giá cà chua tăng cao nguyên nhân là bởi áp lực từ các loại virus trên cây cà chua như ToBRV, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường và chi phí sản xuất tăng. Thế nên, cà chua sốt giá đang là chủ đề chung của toàn thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam.
Dù là tăng vì bất cứ nguyên nhân gì thì những ngày này, mỗi khi đi chợ hay siêu thị, quả cà chua vẫn khiến các bà nội trợ phải đau đầu.
Ngày trước mỗi lần xách làn đi chợ, các chị em nội trợ chỉ cần báo mua số lượng 5 lạng, 1kg hoặc hơn tuỳ theo nhu cầu vì giá chỉ 15.000-30.000 đồng/kg. Còn bây giờ, câu đầu tiên là hỏi giá để lựa sao cho phù hợp với túi tiền.
Không mua thì thiếu vì cà chua là loại rau quả nấu kèm cùng rất nhiều món ăn. Song nay, loại quả này đã tăng giá gấp khoảng 3 lần, ngang ngửa với giá thịt gà, cá, thậm chí còn đắt gần bằng giá thịt lợn tại chợ truyền thống.
Cuối năm, cà chua sốt giá từ Bắc vào Nam (ảnh: TL) |
Nhiều bà nội trợ than muốn ăn món đậu sốt cà chua đơn giản, tiền đậu chỉ hết 10.000 đồng, còn tiền mua cà chua lên tới 20.000 đồng. Thậm chí, nhiều gia đình đành cắt giảm loại quả nay trong các bữa ăn vì giá quá đắt đỏ.
Thực tế, không chỉ có bà nội trợ mà ngay cả “đại gia” sản xuất tương cà cũng cảm thấy lúng túng trước cơn sốt của cà chua. Ông Lê Minh Cương, Giám đốc Công ty TNHH Spicy Country, cho biết, đơn vị của ông đã phải tạm dừng sản xuất tương cà vì không còn nguyên liệu.
"Chúng tôi phải tạm dừng sản xuất do lượng cà chua dự trữ đã hết, dù thông thường mỗi vụ, tôi đặt khoảng 5 tấn cà chua từ các nông trại. Năm nay, cà chua bị mất mùa khiến nguồn cung giảm mạnh", ông Cương nói.
Dự báo, sang đầu tháng 1/2022, giá cà chua mới có thể hạ nhiệt khi vào mùa thu hoạch tại nhiều tỉnh thành, nhất là các tỉnh phía Bắc.
Cọng hành, trái ớt tăng giá dựng đứng
Thời điểm giữa tháng 7 năm nay, dịch Covid-19 bùng phát mạnh 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các loại rau gia vị giá tăng dựng đứng.
Khi đó, nhiều người ở TP.HCM phải lùng mua hành lá với giá tăng gấp 2-3 lần nhưng cũng không dễ. Tại một số chợ ở Sài Gòn, hành lá lên tới 100.000-120.000 đồng/kg vẫn “cháy hàng”. Các cửa hàng tiện lợi, mặt hàng hành lá, gừng, rau thơm,... thường xuyên trong tình trạng hết hàng ngay sau khi giờ mở cửa.
Trên “chợ mạng”, mặt hàng hành lá, gừng tươi cũng ngừng bán. Một số nơi còn nhưng có mức giá khiến nhiều người giật mình, lên tới 41.000 đồng/lạng (tức 410.000 đồng/kg) và ghi chú “chỉ giao tại TP.HCM”. Trái ớt hiểm giá cũng “cắt cổ” lên tới 400.000 đồng/kg.
Năm 2021, hành lá tăng giá cao chưa từng có tại TP.HCM (ảnh: TPTA) |
Nhiều gia đình ở TP.HCM đành chấp nhận nấu ăn không cần hành, nước chấm không có ớt. Bởi, với mức giá đắt gấp đôi thịt bò Mỹ thì cọng hành, trái ớt trở thành loại gia vị xa xỉ vượt quá túi tiền chi tiêu của họ.
Việc cọng hành, củ tỏi,... tăng giá, khan hàng còn khiến các “đại gia mì gói” đứng ngồi không yên khi rơi vào tình thế chưa từng có này.
Tại cuộc họp với lãnh đạo TP.HCM ngày 3/8, câu chuyện hành tỏi được đưa ra thảo luận. Đại diện Công ty Acecook Việt Nam cho hay, trong mỳ gói có hai thành phần chính, nguyên liệu chính là bột mỳ và nguyên liệu phụ là các loại gia vị như tỏi, ớt, hành khô, hành sấy,...
Nếu đứt gãy nguồn cung nguyên liệu chính, đương nhiên DN buộc dừng hoạt động. Tuy nhiên, nếu thiếu nguyên liệu phụ do không thể nhập như: tỏi, ớt, hành khô, hành sấy,... thì Acecook Việt Nam xin đề nghị tiếp tục được duy trì sản xuất và duy trì bao bì hiện tại, tức là vẫn ghi các thành phần phụ nhưng thực tế trong các gói gia vị có thể không có hành khô, tỏi.
Cũng may, cơn sốt rau gia vị tại đây không kéo dài khi nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm dần ổn định. Người dân cũng thở vào nhẹ nhõm khi nguồn cung hàng hoá dần trở lại trạng thái bình thường.
Tại các chợ ở TP.HCM, giá một số loại rau củ có xu hướng nhích dần lên. Song, người dân hy vọng Tết này, mọi thứ sẽ được bình ổn. Bởi theo thông tin từ Sở Công Thương TP, các DN đã chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trị giá gần 19.900 tỷ đồng nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2022, đảm bảo dự trữ đủ cung ứng nhu cầu tiêu dùng cho dịp Tết. Riêng nhóm thực phẩm thiết yếu như: lương thực, thực phẩm chế biến, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm và trứng... của DN bình ổn đủ sức chi phối thị trường.
Tâm An