Chỉ trong một thời gian ngắn xuất hiện, dịch Covid-19 đã tàn phá dữ dội nhiều lĩnh vực giao thông vận tải trọng điểm, trong đó ngành Hàng không chịu thiệt hại khủng khiếp nhất. Các hãng hàng không, doanh nghiệp mặt đất, dịch vụ…tất cả đều liêu xiêu, đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.
Ước tính thiệt hại ban đầu của việc dừng bay của các hãng hàng không Việt Nam và quản lý mặt đất do dịch Covid-19 lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong văn bản của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, trong đại dịch Covid-19, mức thiệt hại của 3 ông lớn ngành hàng không có vốn Nhà nước gồm Vietnam Airlines, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) và Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) tới hàng chục nghìn tỷ đồng.Hàng chục tỷ nghìn “bốc hơi” trong đại dịch
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết: Đơn vị thiệt hại nặng nề nhất là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ so với cùng kỳ và lỗ 2.383 tỷ đồng.
Dự kiến cả năm 2020 nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV/2020, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
Hiện Vietnam Airlines đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.
Hãng hàng không Vietnam Airlines bị thietj hại nặng nề do dịch Covid-19. |
Báo cáo cho biết vào đầu năm 2020 Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
Dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp này tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Trước những áp lực về tài chính nêu trên, báo cáo cho biết, nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho vay theo yêu cầu của Vietnam Airlines và các công ty con vay. Ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỷ đồng, để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và phải bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020.
Đối với Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) doanh số quý I/2020 ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Tại sân bay Nội Bài, hàng trăm máy bay nằm ở sân đợi dịch sớm qua. |
Do chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lợi nhuận của ACV trong quý I ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của tổng công ty cảng hàng không đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020 và lợi nhuận tương ứng giảm 9.335 tỷ đồng, đạt 1.476 tỷ đồng.
Mức lợi nhuận ước tính này giảm sâu hơn so với dự báo trước đó. Cuối tháng 2/2020, ACV dự kiến lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh cả năm 2020 đạt 1.700 tỷ đồng, giảm 78% so với năm 2019.
Đối với Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM), chỉ tính riêng trong tháng 2/2020, tổng sản lượng điều hành bay giảm 14.599 chuyến, tương đương giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng điều hành bay đi, đến (chuyến quốc tế) giảm 3.414 chuyến tương đương giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Từ thời điểm mồng 1/4 đến nay, các chuyến bay gần như đã dừng khai thác, chỉ còn 3 đường bay nội địa Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM với tuần suất tối thiểu để phục vụ nhu cầu thiết yếu về vận chuyển hàng không. Hầu hết đội bay của các hãng hàng không Việt Nam đang phải đắp chiếu, không đưa vào khai thác", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.
Các doanh nghiệp hàng không cần hỗ trợ nhau
Theo Bộ GTVT, trong bối cảnh hàng không gặp nhiều khó khăn, đề nghị các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng dịch vụ cần chủ động hỗ trợ nhau.
Bộ GTVT kêu gọi, trong bối cảnh hàng không gặp nhiều khó khăn, đề nghị các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng dịch vụ cần chủ động hỗ trợ nhau. |
Về vấn đề này, lãnh đạo ACV cho biết: "Hiện ACV đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không cho tất cả các hãng hàng không. Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền ACV miễn giảm giá là: Dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy thủ tục hành khách, thuê cầu dẫn khách, phục vụ mặt đất giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện của hãng: đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ giảm 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm 30%. Các dịch vụ trên được miễn, giảm giá từ ngày 1/3 đến hết tháng 8/2020".
Tuy nhiên, trước tình trạng dịch còn diễn biến phức tạp, mức thiệt hại hàng hàng không khó có thể dự báo chính xác, vì thế, Bộ GTVT đề xuất có chính sách hỗ trợ chung đối với các hãng hàng không như: Miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch. Trường hợp cân đối ngân sách khó khăn sẽ xin giảm 50% đối với loại thuế này.
Mặt khác, Bộ GTVT cũng đề xuất cho phép các doanh nghiệp hàng không giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không).
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết: Trong bối cảnh các hãng hàng không gặp khó khăn, nên áp dụng chính sách giảm 50% giá cất hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa. Thời gian áp dụng từ 1/3 đến hết 31/8/2020 tuỳ theo diễn biến của dịch.
"Ngoài ra, đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3 đến 31/8/2020 để tạo điều kiện các các doanh nghiệp cung ứng (ACV và các doanh nghiệp cung ứng hàng không khác) giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác. Đồng thời, xem xét hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng, thời gian thanh toán cho các hãng hàng không", ông Tuấn nói.
Bộ GTVT cũng khuyến khích các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ hàng không (ACV, VATM...) chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh các mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp./.
Năm 2019, khách quốc tế tới Việt Nam qua đường hàng không khoảng 41,7 triệu lượt người, trong đó các thị trường khách lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), khu vực ASEAN.
Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam chiếm thị phần từ 30 đến 73% (tùy thị trường). Nay, các đường bay đi/đến những thị trường này cơ bản đều đã dừng khai thác.
Hiện tại, các hãng hàng không của Việt Nam đã tạm dừng khai thác hầu hết đường bay quốc tế do dịch Covid-19. Cụ thể: Đường bay đi/đến: Trung Quốc, Hàn Quốc, 10 nước ASEAN, Nhật Bản, Anh. Từ ngày 24/3, VNA dừng đường bay Việt Nam - Đức; từ ngày 25/3 dừng thêm đường bay Việt Nam - Úc.