Nhiều vấn đề trong việc quản lý DNNN
Đổi mới cơ chế giám sát cơ quan đại diện chủ sở hữu là chủ đề được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thảo luận sáng nay (19/7).
Nói về thực trạng DNNN, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM), cho biết trong giai đoạn 2011 – 2016, tỷ trọng DNNN thua lỗ không giảm. Báo cáo hợp nhất năm 2016 cho thấy 23/91 tập đoàn, tổng công ty, nhóm công ty mẹ - con lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đến nay chưa thu hồi được và giá trị thực tế của nhiều dự án đang ở dưới mức giá trị đã đầu tư. Nỗ lực xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém đến nay vẫn chưa hiệu quả, phục hồi chậm.
Tình trạng này, phần nào đến từ việc giám sát DNNN chưa hiệu quả. Cụ thể, báo cáo Đoàn giám sát của Quốc hội năm 2018 nhận định: "Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong các nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp".
Theo ông Trung, có một số nguyên nhân hệ thống giám sát chưa được hiệu quả.
Thứ nhất là từ hệ thống pháp luật. Dù rằng có nhiều quy định về thẩm quyền, chủ thể và đối tượng giám sát nhưng những thứ này đều thiếu thống nhất về nội hàm, khái niệm và phạm vi hoạt động.
Nghĩa là có sự chồng chéo, chồng lần giữa chức năng giám sát của chủ sở hữu với hoạt động thanh tra, kiểm tra thuộc chức năng quản lý nhà nước. Mặt khác, các quy định hướng dẫn chi tiết cách thức, công cụ thực hiện giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa thực sự rõ ràng, gây lúng túng khi thực hiện.
Thứ hai là vấn đề nằm ở bộ máy, công cụ và cách thức triển khai. Ví dụ, trong triển khai và thực hiện, cơ quan giám sát bị thiếu thông tin, tính xác thực thông tin chưa cao…
Ông Trung nói rằng điều này đặc biệt xảy ra đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp đa sở hữu. "Không dễ để trả lời câu hỏi vốn nhà nước hiện đang nằm ở bao nhiêu doanh nghiệp, giá trị thực tế như thế nào", ông cho biết.
Học mãi nhưng vẫn cứ dốt?
Bình luận về báo cáo của phía CIEM, bà Phạm Chi Lan cho biết cảm quan đầu tiên, những thông tin, kinh nghiệm, bài học về quản lý, giám sát DNNN vừa được cập nhật là những thứ đã biết. Theo trí nhớ bà Lan, những kinh nghiệm này đã có từ khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 xuất hiện.
"Thời điểm đó đã giới thiệu với DNNN cũng như các doanh nghiệp khác biết về hệ thống quản trị theo chuẩn mực OECD và các thông lệ tốt nào cần áp dụng", bà Lan nói.
Theo bà, hàng nghìn cuộc hội thảo, chuyến đi khảo sát trong và ngoài nước được tổ chức với hàng nghìn cán bộ chịu trách nhiệm giám sát DNNN tham gia. Nguồn tiền được lấy từ ngân sách, từ vốn ODA và cả tiền DNNN bỏ ra. Tuy nhiên, kết quả hiện nay lại là một hệ thống giám sát có vấn đề, bà Lan nhấn mạnh.
Chỉ nói về cơ chế giám sát, bà Lan đặt câu hỏi: "Phải chăng Việt Nam là một học trò dốt, học biết bao nhiêu thầy, sách vở nhưng không hề học được thực tiễn để làm được gì?"
Hoặc, các kiến thức được học về cũng bị áp dụng máy móc theo kiểu "thầy đọc trò chép", không hiểu một cách thực tế, linh hoạt nên có đưa vào luật cũng không đạt được hiệu quả cao, theo bà Lan.
Đồng tình với lý giải được ông Trung đưa ra trước đó, bà Lan phân tích thêm rằng nó đến từ hệ quả của lối làm ăn tập thể khi một quy định, văn bản được chuyển cho nhiều cơ quan góp ý.
Bên cạnh đó, việc có quá nhiều cơ quan tham gia dẫn đến việc những đơn vị này không hiểu rõ được trách nhiệm, nhiệm vụ của mình. "Các cơ quan được phân công nhiệm vụ tương tự nhau nên không ai chịu trách nhiệm", bà Lan nói và cho biết đấy là vấn nạn chung.
Sự thiếu trách nhiệm, cha chung không ai khóc cũng được bà Lan chỉ ra. Bởi, với câu chuyện thiếu thông tin khi quản lý DNNN, suy cho cùng, cũng là bởi cơ quan quản lý, giám sát không thật tận tâm.
"Tôi nghĩ các chủ sở hữu DNNN rất khác với khi họ sở hữu tài sản cá nhân của họ, cái của bản thân gắn bó máu thịt hơn nhiều. Tài sản nhà nước gặp tình trạng vô chủ nên bị thiếu động lực giám sát", bà Lan nhấn mạnh.