Đề xuất đánh thuế tài sản đối với đất và nhà có giá trị trên 700 triệu đồng của Bộ Tài chính mới đưa ra đã nhận được nhiều quan điểm trái chiều từ phía các chuyên gia và người dân.
Đánh thuế từ 5-7 tỷ phù hợp hơn 700 triệu đồng
Trao đổi với PV, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1996 - 2006 cho rằng, ý tưởng đánh thuế tài sản không sai, kể cả ở thời điểm này. Nhiều nước đã đánh thuế tài sản, đặc biệt đánh thuế những người có mật độ tích lũy tài sản lớn so với cả xã hội.
Bà cho rằng những người giàu có, nhiều tài sản rất lớn mà chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ không thể hiện được đầy đủ đóng góp cho xã hội.
Việc đánh thuế tài sản sẽ tạo sự công bằng về khả năng lưu giữ tài sản giữa những người dân khác nhau. Đánh thuế nhằm điều chỉnh thu nhập giữa người có tài sản rất lớn với người không có hoặc chỉ có ít tài sản trong xã hội.
Theo bà Lan, đề xuất đánh thuế tài sản của Bộ Tài chính đưa ra bị phản ứng nhiều ở mốc đánh thuế với nhà, đất có giá trị từ trên 700 triệu đồng.
Thời gian qua Nhà nước thực hiện chính sách cho vay để người dân mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp, trả trong 15-20 năm - ngôi nhà đó sẽ trở thành tài sản của họ. Nhưng thực tế những ngôi nhà thu nhập thấp hiện có mức giá 700 - 800 triệu đồng, thậm chí trên 1 tỷ.
Ảnh minh họa.
"Như thế, việc đánh thuế từ mốc trên 700 triệu đồng trở lên chính là đánh ngay vào đối tượng thuộc diện thu nhập thấp, Nhà nước phải hỗ trợ, chứ không phải đánh vào người có tài sản lớn.
Câu chuyện phải dành dụm, vay mượn tiền mới mua được căn nhà và nay phải tiếp tục chật vật đóng thuế là điều dễ nhìn thấy", bà Lan phân tích.
Phải chăng mốc 700 triệu đồng trở lên là phép tính để làm sao thu được nhiều cho ngân sách? Tôi nghĩ đó là điều bất cập - chuyên gia kinh tế bày tỏ.
Bà cho rằng bất động sản ở Việt Nam đắt đỏ so với các nước trên thế giới. Nhiều tổ chức nước ngoài khi nhận xét nhà đất ở Hà Nội, TP HCM cũng thừa nhận đắt ngang ngửa so với Hồng Kông, Tokyo, trong khi thu nhập đầu người của chúng ta lại thấp. Với giá nhà ở được hình thành trên nền tảng quá cao trong khi đánh thuế ở mức rất thấp cho thấy thêm sự chưa hợp lý.
"Nếu có đánh thuế, tôi nghĩ phải nâng cao hơn rất nhiều, 5-7 tỷ đồng trở lên. Ngay cả mức 5-7 tỷ đồng cũng phải cân nhắc, tính đến nhà đó bao nhiêu người ở. Với giá nhà như vậy mà tính thuế suất 0,3 - 0,4%/năm là rất cao", bà Lan nói.
Thuế chồng lên thuế
Vị chuyên gia kinh tế cho rằng để làm được ngôi nhà ở, hay mua một căn nhà, căn hộ chung cư người dân đã chịu rất nhiều các khoản như thuế trước bạ, thuế đất, thuế giá trị gia tăng, thậm chí thuế tiêu thụ đặc biệt, các loại phí...
"Người dân bỏ ra 700-800 triệu để làm hay mua một ngôi nhà đã phải "cõng" bao nhiêu thuế phí rồi, bây giờ lại thêm thuế tài sản nữa thì rõ ràng tạo ra "thuế chồng lên thuế".
Và câu chuyện mua nhà chịu thuế, xây nhà nộp thuế, ở nhà phải đóng thuế sẽ là điều hiển nhiên tạo sự bức xúc...", bà Lan chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng, hiện có việc các cơ quan chức năng suy nghĩ, quốc tế đang làm vậy nên chúng ta cũng làm như vậy.
Ví dụ như khi muốn tăng giá điện, xăng dầu thì nói các nước giá cao hơn Việt Nam nên chúng ta phải tăng lên. Nhưng thực tế hoàn cảnh nước ta so với các nước khác nhau, thu nhập dân ta so với họ còn rất thấp.
Bà Lan mong muốn Bộ Tài chính xem xét lại đề xuất này. Nhà nước cân nhắc thuê các tổ chức quốc tế để có nghiên cứu, đánh giá về tác động của sắc thuế đối với người dân.
Niềm tin của người dân sẽ lớn hơn nhiều lần so với tác động "tích cực" khi thu được một phần thuế của người dân - bà Lan nêu quan điểm.