Theo Quyết định số 1454 ngày 1-9-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) được đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Tuyến cao tốc nối Khu Kinh tế Vân Phong với TP Buôn Ma Thuột - trung tâm vùng Tây Nguyên - được đánh giá là cần thiết và cấp bách, ưu tiên đầu tư sớm nhất trong khu vực.
3 phương án với 4 làn xe
Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án 6, Khánh Hòa là trung tâm kinh tế - chính trị lớn của khu vực Nam Trung Bộ, trụ cột kinh tế là du lịch, công nghiệp và vận tải biển với TP Nha Trang, Khu Kinh tế Vân Phong, Khu Kinh tế Cam Ranh…
Trong khi đó, Đắk Lắk là trung tâm kinh tế - chính trị của vùng Tây Nguyên, trong tam giác phát triển kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia với trụ cột kinh tế là nông - lâm nghiệp, du lịch và năng lượng tái tạo.
Hai khu vực này có 1 sân bay quốc tế là sân bay Cam Ranh, 3 sân bay nội địa là Buôn Ma Thuột, Pleiku, Tuy Hòa (Phú Yên); 5 cụm cảng biển: Vũng Rô (Phú Yên), Bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh), Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa), Nha Trang và Cam Ranh (đều thuộc tỉnh Khánh Hòa)…
Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa và Đắk Lắk nhỏ hẹp và thường xuyên hư hỏng là một trong những nguyên nhân 2 tỉnh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng
Dù vậy, tuyến đường kết nối giữa 2 vùng rất hạn chế vì Quốc lộ (QL) 29 (Phú Yên - Đắk Lắk) có quy mô hiện trạng là đường cấp IV miền núi, bề rộng mặt đường 5,5 m; còn QL26 (Khánh Hòa - Đắk Lắk) chỉ có 2 làn xe rộng từ 6-12 m (tùy đoạn).
Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Khánh Hòa với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây, Ban Quản lý dự án 6 - chủ đầu tư giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và đơn vị tư vấn là Liên danh Công ty CP Tư vấn Trường Sơn - Tổng Công ty TVTK GTVT - CTCP (TEDI) đã đưa ra 3 phương án đầu tư với chiều dài tương ứng khoảng 118 km, 123 km và 130 km.
Điểm đầu là nút giao giữa QL26B và QL1A, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột (cao tốc Bắc - Nam phía Tây), thuộc địa phận buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk. Quy mô dự án 4 làn xe rộng 24,7 m, vận tốc thiết kế 80 - 100 km/giờ.
Để thực hiện, có 3 phương án được đưa ra. Phương án 1, đầu tư hoàn thiện ngay từ đầu với 4 làn xe, mặt đường 24,75 m (mỗi làn 3,75 m).
Phương án 2, đầu tư 8 km từ QL1 đến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có quy mô 4 làn hoàn thiện 24,75 m; đoạn còn lại từ đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến cuối tuyến dài 110 km đầu tư quy mô mặt đường 13,5 m (2 làn, mỗi làn 3,5 m), hoàn thiện quy mô 24,75 m tại thời điểm thích hợp.
Phương án 3, đầu tư quy mô mặt đường 4 làn cao tốc hạn chế 17 m, hoàn thiện quy mô 24,75 m tại thời điểm thích hợp. Cầu trên chính tuyến sẽ có 66 cái, cầu vượt 5 cái; có 3 hầm, mỗi hầm 2 ống bảo đảm 4 làn xe.
Từ 16.700 - 24.300 tỉ đồng
Qua đánh giá của đơn vị tư vấn, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.073 ha. Về tổng vốn đầu tư, đơn vị tư vấn đề nghị chọn đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với tổng chiều dài 118 km, bởi đây là tuyến ngắn nhất. Cụ thể, trong 3 phương án đưa ra thì tổng vốn đầu tư dự kiến cho phương án 1 là 24.349 tỉ đồng, phương án 2 cần 16.755 tỉ đồng và phương án 3 cần 18.726 tỉ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ được thực hiện bằng hình thức đối tác công - tư (PPP). Qua đánh giá sơ bộ phương án tài chính, trên cơ sở quy mô giai đoạn hoàn thiện của dự án, kết quả dự báo nhu cầu vận tải, đáp ứng yêu cầu về sự cần thiết đầu tư và khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước, đơn vị tư vấn kiến nghị phân kỳ đầu tư theo phương án 2.
Trong các đợt làm việc với Bộ GTVT, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đánh giá việc đầu tư đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là hết sức cần thiết. Bởi hiện tỉnh đang tổ chức lập quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong và xác định đây là động lực phát triển kinh tế mới của tỉnh. Trong khi đó, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối trực tiếp vào tuyến đường chính QL26B đi đến khu vực Nam Vân Phong, nơi có Khu Công nghiệp Ninh Thủy, cảng biển, nhà máy nhiệt điện…
Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa thống nhất cao với chủ trương đầu tư dự án theo phương án 1 là hoàn chỉnh đường cao tốc một lần với 4 làn. Đồng thời, đề xuất Bộ GTVT chỉnh trang nâng cấp mở rộng QL26B để đồng bộ với mặt đường cao tốc. Với phương án đầu tư đề xuất làm một lần, không phân kỳ, tỉnh sẽ quyết tâm vận động người dân giải phóng mặt bằng sớm sau khi được thống nhất đầu tư.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến góp ý của địa phương để hoàn thiện phương án đầu tư. Khi có văn bản chính thức của UBND tỉnh, Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thẩm định đầu tư dự án.
Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển GTVT, các tuyến đường bộ cao tốc hoàn thành, đưa vào khai thác chỉ xét riêng tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) tăng thêm khoảng 1.200 tỉ đồng.
Hàng hóa qua 5 cảng biển sẽ được khai thác tối đa. Với vòng đời 20 năm, dự án sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí xăng dầu, vận hành, khấu hao phương tiện... khoảng 11.700 tỉ đồng. Ngoài ra còn mang lại nhiều hiệu quả khác về xã hội, du lịch, an ninh - quốc phòng…