Việc thiếu thông tin chi tiết về cuộc đàm phán cho thấy vẫn còn rào cản quá lớn đối với những vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ thương mại giữa 2 nước. Đài BBC nhận định nếu cấu trúc kinh tế Trung Quốc không thay đổi, hai bên sẽ không tìm được nói chung về những tranh cãi dưới đây:
1. Quyền sở hữu trí tuệ
Mỹ lâu nay cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của công ty Mỹ, ép buộc họ chuyển giao công nghệ. Để giải tỏa nỗi quan ngại của Washington, Bắc Kinh đã thành lập một tòa án chuyên xét xử các vụ việc về sở hữu trí tuệ và đang soạn thảo luật nhằm cản trở giới chức địa phương đòi hỏi công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc.
Dù vậy, các nhà lập pháp Mỹ lại lo ngại bộ máy tư pháp của Trung Quốc không thể đưa ra các phán quyết pháp lý độc lập, nhất là khi tranh cãi có liên quan đến doanh nghiệp nhà nước.
Công ty trang phục thể thao Badger Sportswear của Mỹ vừa ngưng làm ăn với một công ty gia công ở Tân Cương - Trung Quốc. Ảnh: Reuters
2. Tiếp cận thị trường
Một chỉ trích khác của Mỹ là Trung Quốc trợ cấp không công bằng cho các công ty nhà nước, cho họ vay lãi suất thấp và hỗ trợ cạnh tranh ở nước ngoài trong các lĩnh vực như không gian vũ trụ, chip và xe điện tử. Động thái này đặt công ty Trung Quốc vào thế đối đầu trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, theo Washington, các công ty nước ngoài gặp bất lợi trong việc cạnh tranh với công ty địa phương tại Trung Quốc do không có những mối quan hệ hoặc quy mô cần thiết.
3. Chiến lược "Sản xuất tại Trung Quốc 2025"
Đây có thể là chướng ngại lớn nhất. Mỹ xem chiến lược này là sự thách thức trực tiếp đối với vị thế dẫn đầu của mình trong các lĩnh vực then chốt như không gian vũ trụ, chất bán dẫn và thế hệ mạng di động thứ 5 (5G). Bắc Kinh gần đây đã giảm nhẹ tham vọng của chương trình nhưng không cho thấy sẽ dừng nó.