Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm.
Theo báo cáo, Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 1,52 tỷ USD mới đăng ký đã chiếm tới 16,4% tổng vốn FDI cả nước, gấp hơn 12 lần cùng kỳ năm trước của tỉnh này.
Vốn FDI vào Bà Rịa - Vũng Tàu tăng mạnh phần lớn nhờ một dự án lớn với tổng vốn đầu tư 730 triệu USD từ tập đoàn đa ngành Hyosung hàng đầu Hàn Quốc.
Hyosung đang thực hiện kế hoàn thiện chuỗi sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm ở Việt Nam nhằm biến thành nhà cung cấp sợi vải spandex lớn nhất thế giới. Là loại sợi vải hiện đại với tính đàn hồi cao, spandex được sử dụng phổ biến trong ngành may mặc toàn thế giới.
Hiện nay, Hyosung đang triển khai dự án nhà máy sợi sinh học BDO (tên đầy đủ: Butanediol) trị giá 730 triệu USD (một nghìn tỷ won) tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ 2, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á và hiếm hoi trên thế giới sản xuất BDO từ đường thô bằng công nghệ mới và hiện đại. Đường thô thay thế hoàn toàn nguyên liệu truyền thống như than đá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhà máy của Hyosung tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) giáp Phú Mỹ sẽ chế tạo sợi vải spandex từ nguyên liệu BDO của nhà máy mới kế bên.
Vị trí thứ hai về thu hút FDI sau Bà Rịa - Vũng Tàu qua 4 tháng đầu năm là Hà Nội với gần 1,15 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 32,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Bắc Ninh đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 998,3 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư cả nước.
Tiếp theo lần lượt là Quảng Ninh, Thái Nguyên, TPHCM, Đồng Nai…
FDI tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo
Tính đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài. Vốn thực hiện giai đoạn này ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%.
Đầu tư mới vẫn duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ kể cả về số dự án và vốn đầu tư. Số lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm; phần góp vốn, mua cổ phần đều sụt giảm (trong đó, tổng giá trị vốn góp giảm hơn 70% so với cùng kỳ, xuống còn gần 930 triệu USD).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,15 tỷ USD, chiếm hơn 66% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng gần 19% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD.
Các đối tác truyền thống của Việt Nam đến từ châu Á rót vốn đầu tư mạnh nhất. Năm quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu là Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; và họ chiếm tới hơn 73% số dự án đầu tư mới và 73,4% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn FDI đang tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư là Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, Đồng Nai, Hưng Yên, Bắc Giang và Hải Phòng. Mười địa phương này chiếm gần 75% số dự án mới và hơn 79% số vốn FDI cả nước trong 4 tháng.
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 4 tháng.