Thiếu lao động, nhất là lao động chất lượng cao
Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh hiện có hơn 575.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó lao động ở các khu công nghiệp chiếm hơn 37%, nông nghiệp 20,5%, dịch vụ 42,4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh là 80,6%; lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 33%, cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.
Đào tạo lao động theo nhu cầu doanh nghiệp đang là hướng đi của Bà Rịa-Vũng Tàu (Ảnh: Gia Khang)
Tuy nhiên, dự kiến thời gian tới, khi tình hình kinh tế thế giới ổn định thì nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp tại Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẽ tăng cao, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng lao động chất lượng cao như: hoá dầu, chế tạo, công nghệ thông tin, tự động hoá… Lúc đó, thực sự nguồn lao động như hiện tại sẽ không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Giám Đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tình hình kinh tế thế giới và trong nước biến động kéo theo sự dịch chuyển lao động giữa các doanh nghiệp và giữa các địa phương. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu đang xảy ra tình trạng lao động từ doanh nghiệp này chuyển sang doanh nghiệp khác hay từ địa phương này sang địa phương khác dẫn đến mất cân đối thị trường lao động, đặc biệt đối với nguồn lao động chất lượng cao.
"Nguồn lao động của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Chủ yếu tập trung ở các ngành nghề như nông nghiệp, hoá chất, công nghệ số, công nghệ sinh học... chưa thể cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp, buộc họ phải tuyển dụng lao động từ nơi khác đến", ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho rằng, thiếu lao động có phần do doanh nghiệp chưa liên kết với địa phương khi đầu tư vào địa bàn. Từ đó, doanh nghiệp chưa có dự báo nguồn và cơ cấu lao động cần tuyển dụng, dẫn đến việc doanh nghiệp đăng tải thông tin tuyển dụng nhưng thường xuyên không tuyển đủ nhu cầu: "Vấn đề hiện nay là người lao động chưa tìm được việc làm như mong muốn hoặc là chưa có môi trường làm việc tốt và những chính sách đãi ngộ chưa hấp dẫn họ. Dẫn đến câu chuyện giữa người lao động và người sử dụng lao động chưa gặp nhau để kết nối, chia sẻ, hỗ trợ nhau. Đây là sự canh tranh khốc liệt trong thị trường lao động hiện nay".
Để trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia, Bà Rịa- Vũng Tầu cần nguồn lao động đủ mạnh và chất lượng (Ảnh: Gia Khang)
Cùng doanh nghiệp đào tạo nhân lực
Tính đến tháng 1/2023, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 20.986 doanh nghiệp trong nước đăng ký, trong đó có 12.000 đang nghiệp đang hoạt động, sử dụng 252.000 lao động. Dự kiến, đến năm 2030 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có 21 khu công nghiệp và 15 cụm công nghiệp. Tỉnh sẽ cần một lực lượng lao động lớn, lao động có tay nghề cao, lao động qua đào tạo. Tỉnh kỳ vọng đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo là 35%, đến năm 2030 con số này là 43%.
Để đáp ứng nhu cầu này, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tham mưu cho UBND tỉnh nhiều giải pháp để phát triển, thu hút lao động như: xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực ngoài tỉnh đến làm việc, chính sách giữ chân người lao động; thúc đẩy chuyển dịch nguồn lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; hỗ trợ đổi mới công nghệ và phối hợp đào tạo nguồn lao động theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Lao động chất lượng cao tại Dự án hoá dầu Long Sơn (Ảnh: Gia Khang)
Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế nhà trường đã thay đổi định hướng đào tạo. Bên cạnh đào tạo theo hệ chính quy, hiện nhà trường cũng thực hiện đào tạo theo nhu cầu, đơn đặt hàng về lao động của doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực doanh nghiệp cần, chứ không cung cấp kiến thức nhà trường có: "Bắt đầu từ năm 2022 nhà trường đã thay đổi tư duy và chúng tôi đã làm được điều đó. Chúng tôi sửa lại toàn bộ chương trình đào tạo theo cách là kết hợp với các doanh nghiệp, ký hợp đồng hợp tác đào tạo với doanh nghiệp để các doanh nghiệp trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo và tham gia trong quá trình đào tạo của trường ngay từ năm học đầu tiên".
Có thể nói, để trở thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 24 của Bộ Chính Trị thì việc đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Bà Rịa-Vũng Tàu. Trước mắt, tỉnh đang từng bước cải thiện môi trường làm việc, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, giữ chân người lao động, góp phần duy trì tốc độ phát triển kinh tế- xã hội cao, bền vững.