Từ những nhiệm kỳ trước, chủ trương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI), là phải có sự chọn lọc dự án. Theo đó, những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động được "chào đón". Ngược lại, những dự án công nghiệp có thể gây ô nhiễm môi trường, sử dụng nhiều lao động tay chân hoặc là hạn chế, hoặc là không thu hút.
Nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp bền vững
Nhờ chủ trương trên, từ những năm 2000 đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp khai thác dầu khí, tăng dần tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến năm 2020, tỉ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 88% trong sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí). Riêng đối với công nghiệp hỗ trợ, tỉnh này đã thu hút được 77 dự án, giá trị đạt khoảng 60.000 tỉ đồng.
Kho bãi container ở cảng Cái Mép - Thị Vải - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Tại một cuộc hội thảo mới đây về phát triển công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện thường trú Văn phòng JICA, chi nhánh TP.HCM cho biết thế mạnh của tỉnh này trong thu hút đầu tư là có cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, có thể đón tàu container thế hệ mới trên 200.000 tấn. Cùng với đó, hơn 93% lượng dầu và 17% khí thiên nhiên của Việt Nam nằm ở thềm lục địa ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, đây là địa điểm tốt nhất cho phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp hóa chất.
Một góc kho ngầm chứa LPG của Hyosung tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Trên thực tế, những năm qua, những tập đoàn lớn về hóa chất, hóa dầu của thế giới và khu vực đã chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm nơi để mở rộng sản xuất, đầu tư. Điển hình là dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn của Tập đoàn SCG (Thái Lan) có giá trị đầu tư lên đến 5 tỉ đô la Mỹ; Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa LPG có giá trị 1,2 tỉ đô la Mỹ của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc)...
Ngoài ra, "vùng sinh thái công nghiệp" tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành bằng việc đã có khu công nghiệp chuyên sâu và nhiều khu công nghiệp khác. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cũng như các khu vực khác có sự liên kết trong sản xuất để tối ưu hóa việc sử dụng đầu vào, đầu ra cũng như năng lượng, chất thải, phế liệu... trong quá trình sản xuất.
Trung tâm phân phối khí Phú Mỹ của Công ty vận chuyển khí Đông Nam Bộ cung cấp nhiên liệu cho khách hàng tại các khu công nghiệp ở Phú Mỹ cũng là một lợi thế để phát triển công nghiệp bền vững - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Chưa kể, các doanh nghiệp còn có lợi thế về vị trí trong chuỗi giá trị logistics do nằm sát cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải và có hành lang tuyến ống khí LPG, LNG, condensate đi ngang qua. Những đường ống dẫn khí, những kho cảng LPG, LNG nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rất thuận lợi để cung cấp nguồn khí, gas công nghiệp, hóa chất làm nguyên nhiên liệu sản xuất cho doanh nghiệp. Khả năng cung cấp nguồn nước sạch công suất lớn cũng là một lợi thế lớn khác để các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến với Bà Rịa - Vũng Tàu…
Niềm tin của nhà đầu tư ngày càng lớn
Những lợi thế trên đã giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư giảm thiểu thời gian và chi phí logistics cũng như tối ưu hóa chi phí sản xuất. Việc này rất quan trọng trong bối cảnh chi phí logistics tại Việt Nam còn đang cao so với các nước trên thế giới.
Một góc tổ hợp hóa dầu Long Sơn (ảnh chụp tháng 12-2022) - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Các chuyên gia về đầu tư của Nhật Bản cho biết niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản đối với Việt Nam nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, vẫn không ngừng tăng lên. Các dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn không ngừng tăng bất chấp các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Để có được niềm tin với các nhà đầu tư còn nhờ vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng.
Kết quả khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy có tới 55% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại đây - cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Việt Nam cũng là thị trường ưa chuộng xếp thứ 2 trên thế giới (sau Mỹ) cho việc mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Hệ thống bồn chứa LPG và LNG của PV Gas tại khu công nghiệp ở thị xã Phú Mỹ - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, những CEO của các doanh nghiệp FDI lớn đang đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu đều đánh giá cao vai trò đồng hành, sự chia sẻ, giải quyết các vướng mắc của các cấp chính quyền.
Ông Nguyễn Công Vinh, phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết trong thời gian tới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đẩy nhanh những công trình trọng điểm về hạ tầng liên kết vùng như cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4. Đặc biệt, chính quyền tỉnh tiếp tục cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…
Ông Nguyễn Công Vinh (đứng) phát biểu tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về phát triển công nghiệp tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
"Chúng tôi tiếp tục song hành với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong xử lý các vướng mắc, khó khăn và sẵn sàng cầu thị tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để làm tốt hơn. Có như vậy mới tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế của tỉnh để phát triển một cách bền vững", ông Vinh nói.
Ông Nguyễn Văn Đồng - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết để kêu gọi đầu tư phát triển các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có trọng điểm, sở đã tham mưu để UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định Danh mục sản phẩm ưu tiên thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh vào tháng 10-2021.
Đó là các sản phẩm công nghiệp của nhóm cơ khí chế tạo, hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh cao nhằm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu.