Theo quy định tại Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND, về diện tích tối thiểu để tách thửa đất trên địa bàn tỉnh, đối với đất nông nghiệp mỗi thửa đất sau khi tách có diện tích bằng hoặc lớn hơn 500m2 thì không cần xem xét quy hoạch của thửa đất, không bắt buộc phải có lối đi vào thửa đất.
Trường hợp thửa đất sau khi tách có diện tích dưới 500m2, trước khi làm thủ tục tách thửa, người dân phải làm thủ tục chuyển mục đích sang đất ở (khu đất phù hợp quy hoạch đất ở), phải xin phép các cơ quan chức năng và hiến đất để làm đường giao thông (trường hợp chưa có sẵn đường giao thông).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dù đã có những quy định siết lại việc tách thửa đất như trên, nhưng nhiều nơi trong tỉnh vẫn xảy ra tình trạng tách thửa, phân lô bán đất nền ào ạt. Nhất là tại các phường, xã thuộc địa bàn TX.Phú Mỹ, huyện Châu Đức có nhiều dự án "ma" do một số DN bất động sản thỏa thuận với người có đất nông nghiệp diện tích lớn tự ý san ủi mặt bằng, phân lô và tổ chức bán đất nền trái phép, thu lợi bất chính.
Vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tạm dừng việc cho phép tách thửa, san lấp mặt bằng, phân lô, bán đất nền trên địa bàn quản lý kể từ ngày 15/8/2018; đồng thời, phải chịu trách nhiệm nếu để tiếp tục xảy ra tình trạng vi phạm.
Đại diện Sở TNMT cho biết mục đích của việc sửa đổi nhằm tránh tình trạng lợi dụng quy định về tách thửa để phân lô, bán nền; tránh thất thu ngân sách; quy định rõ trách nhiệm các ngành trong quản lý xây dựng đô thị và phù hợp với thực tế từng địa phương.
Tuy nhiên, chính quyết định này cũng đã bộc lộ nhiều vấn đề, nhất là trong việc hạn chế giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường BĐS của tỉnh. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng đã có kiến nghị các sở ngành, UBND tỉnh xem xét tháo gỡ khó khăn từ quyết định 23 trên. Mới đây, cuối tuần qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, địa phương để nghe Sở TNMT báo cáo dự thảo sửa đổi quy định này.
Trước tình hình trên, để giải quyết nhu cầu chính đáng của người sử dụng đất, Sở này đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép các địa phương tiếp tục nhận và giải quyết hồ sơ tách thửa đất đối với các hộ gia đình, cá nhân và những trường hợp có nhu cầu thực tế phù hợp với các quy định về quản lý đô thị, hạ tầng giao thông, kế hoạch sử dụng đất.
Riêng đối với các hồ sơ tách thửa với quy mô diện tích lớn, số lượng thửa đất nhiều, có dấu hiệu phân lô, bán đất nền thì phải tạm ngưng giải quyết, chờ điều chỉnh Quyết định số 23/2017/QĐ-UBND.
Theo đó, UBND tỉnh đã có Thông báo số 490/TB-UBND chấp thuận đề nghị này của Sở TN-MT; đồng thời, giao Sở TN-MT chủ trì việc xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định tách thửa đất cho phù hợp với tình hình thực tế và công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật.
Cụ thể như, bổ sung quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa đối với các thửa đất có diện tích từ 500 - 2.000m2 tại TP. Vũng Tàu và từ 1.000-5.000m2 tại các địa phương khác. Trước khi thực hiện tách thửa đất có hình thành đường giao thông mới, người sử dụng đất phải lập bản vẽ phương án mặt bằng phân lô, tách thửa và được UBND cấp huyện chấp thuận. Thủ tục tách thửa chỉ được thực hiện sau khi đã đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, được UBND các huyện xác nhận.
Đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 2.000m2 tại TP.Vũng Tàu và lớn hơn 5.000m2 ở các địa phương khác, trước khi tách thửa người sử dụng đất phải lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…
Đối với đất nông nghiệp, diện tích đất tối thiểu sau khi tách phải lớn hơn 500m2. Trong Dự thảo cũng nêu rõ: UBND các huyện, thành phố căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị để xem xét, chấp thuận bản vẽ phương án tách thửa, làm cơ sở cho việc tách thửa.
Về việc xây dựng lối đi chung trong khu dân cư, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu phân lô, tách thửa thì phải lập bản vẽ phương án phân lô (tỷ lệ 1/500 – 1/200) kèm đơn đề nghị cho phép tách thửa đất (trong đó nêu rõ số lô đất tách để cho, tặng người thân) trình UBND cấp huyện xem xét. UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức khảo sát nhu cầu sử dụng đất của hộ gia đình trên cơ sở số người thân được phân chia đất của hộ gia đình đó; có văn bản xác nhận để cơ quan quản lý đất đai xem xét làm thủ tục tách thửa đất theo quy định.