Thị trường tài chính biến động mạnh trong 3 tháng đầu năm nay: Đầu tư vào vàng, chứng khoán hay gửi tiết kiệm mang lại lợi nhuận cao nhất?
Vàng: Cầm chắc 11%
Chiều 23/3, giá vàng SJC tăng nhẹ lên 68,10- 68,80 triệu đồng/lượng. So với thời điểm đầu năm nay giá vàng thương hiệu quốc gia tăng 7,15 triệu đồng/lượng (tăng 11,6%) sau gần ba tháng.
Nhà đầu tư mua vàng SJC cầm chắc mức lãi này.
Vàng vừa tạo "sóng thần" đầu tháng 3. Ảnh: Tạ Hải
Trong thời điểm quý đầu năm này giá vàng trong nước có hai đợt sóng lớn là dịp vía Thần Tài và thời điểm xảy ra cuộc chiến Nga – Ukraine.
Trong đó, cuộc chiến tại Đông Âu đã khiến giá vàng thế giới thiết lập đỉnh 10 năm mới 2.064,5 USD/ounce, đồng thời đẩy giá vàng trong nước tăng vọt lên mức giá cao nhất lịch sử thị trường là 74,5 triệu đồng mỗi lượng hồi đầu tháng 3.
Nếu chốt lãi được ở thời điểm này, nhà đầu tư có lãi khủng 20,8% chỉ sau hơn 2 tháng.
Trong khi đó, nếu gửi tiền ngân hàng với kỳ hạn 3 tháng, người gửi tiền chỉ hưởng lãi suất khoảng 3,5%/năm, tương đương 0,87% trong ba tháng.
Còn nếu gửi ở kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm lĩnh lãi theo tháng hoặc quý thì trong 3 tháng đầu năm sẽ hưởng lãi suất 1,3-1,6%.
Tỷ lệ lợi nhuận này thấp hơn nhiều so với đầu tư vào vàng như tính toán phía trên.
Biết nhìn kênh đầu tư là lãi lớn
Trong ba tháng qua, chỉ số VN-Index gần như đi ngang trong suốt thời gian này. Chốt phiên giao dịch 23/3, chỉ số chính VN-Index chỉ tăng 0,2% so với phiên đầu năm.
Tuy nhiên, không giống như đầu tư vàng và gửi tiền ngân hàng, lựa chọn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đa dạng hơn với hàng nghìn cổ phiếu niêm yết và đang giao dịch.
Trong đó, có nhiều cổ phiếu cho lợi nhuận cao như nhóm cổ phiếu CTCP Du lịch bất động sản Ninh Vân Bay (NVT), Tasco (HUT), CTCP Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn - Savico (SVC), CTCP Đầu tư và Phát triển Y tế Việt Nhật (JVC), CTCP Xây dựng số 9 (VC9).
Riêng HUT ghi nhận tăng nóng liên tục hơn 1 năm vừa qua lên hơn 8 lần thị giá.
Trong sự kiện địa chính trị Đông Âu, không chỉ giá vàng tăng mạnh, nhóm cổ phiếu có liên quan đến sự kiện trên như các cổ phiếu dầu khí, phân bón… cũng có đợt sóng tăng mạnh trước khi điều chỉnh.
Tất nhiên, không đơn giản như gửi tiết kiệm hay mua vàng SJC, để có lợi nhuận khi đầu tư chứng khoán nhà đầu tư phải bỏ ra nhiều thời gian hơn công sức hơn để tìm hiểu thị trường, doanh nghiệp, các mã cổ phiếu khi đầu tư.
Cũng không phải tất cả các nhà đầu tư rót tiền vào cổ phiếu trong ba tháng này đều có lãi, bởi cũng có những cổ phiếu như một số mã ngân hàng, bất động sản, sản xuất... giai đoạn trước tăng trưởng mạnh nhưng thời gian 3 tháng qua chỉ đi ngang hoặc thậm chí giảm khá mạnh.
Chọn lọc cổ phiếu đầu tư vẫn có lãi cao. Ảnh minh hoạ
Trước đó, theo thống kê của PV Báo Giao thông, trong năm 2021 ba kênh đầu tư vàng, gửi tiết kiệm và chứng khoán cho lãi lần lượt là 9,5%, 6% và 35%.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư của Dragon Capital Việt Nam đánh giá, cổ phiếu có hiệu suất sinh lời khoảng 16% mỗi năm tính từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2000. Con số này vượt trội hơn mức sinh lời bình quân 11,9% của bất động sản, 9% của vàng, 8% của tiền gửi và chỉ 2,2% của USD, tính trong cùng khung thời gian 21 năm qua.
Còn nếu xét trong 5 năm gần đây, khoảng cách giữa các kênh đầu tư này còn lớn hơn. Với cổ phiếu, hiệu suất sinh lời bình quân tính từ theo VN-Index từ năm 2016 đến nay đạt tới 19,2%, so với mức hơn 12% của bất động sản, 10% của trái phiếu và khoảng 6% của tiền gửi hoặc vàng.
Ông Tuấn lấy ví dụ, nếu nhà đầu tư bỏ ra 100 triệu đồng để đầu tư vào cổ phiếu theo phương thức tái đầu tư liên tục, sau 21 năm, số tiền thu về là hơn 2,2 tỷ đồng. Nếu đầu tư vào bất động sản chung cư từ năm 2000 với số tiền 100 triệu đồng, đến năm 2021 chỉ thu về hơn 1 tỷ đồng. Thấp nhất là nắm giữ USD, với khoản tiền thu về chỉ 159 triệu đồng.
(Theo Báo Giao Thông)