Ngày 8/5 tới, TAND TP.HCM xét xử vụ bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - sau đổi thành ngân hàng VNCB và nay là ngân hàng CB, nguyên chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) về hai tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín .
Cùng bà Phấn, còn 27 bị cáo khác, trong đó có Ngô Kim Huệ, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ và Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ.
Hậu quả các sai phạm mà nữ “đại gia” Hứa Thị Phấn cùng các đồng phạm gây ra là con số thiệt hại hơn 12.000 tỷ đồng, thông qua 5 hành vi. Trong giai đoạn này, tòa xét xử 2 hành vi, gồm bà Phấn chỉ đạo thực hiện nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng và hạch toán thu khống và đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang, để bị can Phấn sử dụng trái pháp luật hơn 5.256 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, ngày 6/3/2017 bà Phấn nhập Bệnh viện đa khoa Tân Hưng tại quận 7, TP.HCM cấp cứu liên quan đến huyết áp và tiểu đường.
Từ đó đến nay, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã nhiều lần đến Bệnh viện Tân Hưng xác định tình trạng thể chất để hỏi cung, nhưng bà Phấn luôn ở trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời, các luật sư của nữ "đại gia" kiến nghị hoãn buổi hỏi cung cho đến khi sức khỏe tốt hơn.
Theo cơ quan CSĐT, Bộ Công an, bà Phấn vẫn ký các đơn tố cáo, đơn kiến nghị và cả đơn kháng cáo trong vụ án Ngân hàng Đại Dương, nên cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bị can Phấn trong quá trình xét xử để lượng hình phạt.
Theo kết luận giám định sức khỏe do cơ quan giám định pháp y về sức khỏe của Trung tâm pháp y TP.HCM thực hiện, bà Phấn hiện bị tổn thương cơ thể do bệnh đến 93%. Cụ thể, bà Phấn bị cao huyết áp giai đoạn 2, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp gối… và không có khả năng đi lại.
Sẽ tạo lịch sử xét xử?
Ngày xét xử cận kề, tuy nhiên hiện dư luận quan tâm liệu “bà trùm” Hứa Thị Phấn có hầu tòa không? Nhiều nhận định cho rằng khả năng bà Hứa Thị Phấn sẽ không ra tòa. Như vậy việc xét xử tiến hành ra sao?
Theo luật sư Huỳnh Trung Hiếu, Trưởng Văn phòng luật Hasslaws, Bộ luật TTHS 2015 bổ sung quy định mới về quyền im lặng trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Bà Phấn không cho lời khai có thể là do bà đang vận dụng quy định này. Cơ quan điều tra có quyền đề nghị hợp tác chứ không bắt buộc bị can phải khai và giải quyết theo yêu cầu, trong mọi trường hợp là không thể và không cần thiết. Tuy nhiên, quy định hiện nay thì lời khai chỉ là một nguồn chứng cứ chứ không phải tất cả.
“Việc xét xử thực tế cần rất nhiều nguồn khác nhau để đối chiếu so sánh, củng cố nội dung, tình tiết, tài liệu buộc tội của cơ quan tiến hành tố tụng. Lời khai bà Phấn chỉ là một trong số các nhóm lời khai của các bên liên quan là cần chứ không đủ. Bởi vậy cơ quan tiến hành tố tụng sẽ còn sử dụng nhiều nguồn chứng cứ khác nhau để xét xử”, luật sư Hiếu cho biết.
Luật sư Hiếu cho rằng, về nghiệp vụ và quy định, nếu không có lời khai thì vẫn có thể dựa vào các tài liệu chứng cứ khác trong vụ án để xét xử. Vì cho lời khai nhưng lời khai không dùng được hoặc lời khai trái bản chất chứng cứ hoặc cố tạo dựng chứng cứ không hợp pháp thì không được sử dụng làm nguồn chứng cứ để giải quyết vụ án.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành hãng luật Basico cho rằng, vẫn có thể xét xử vụ bà Hứa Thị Phấn dù bà này không hầu tòa. Và nếu bà Phấn không tới tòa mà TAND TP.HCM vẫn tiến hành xét xử thì đây sẽ là “đại án” kinh tế đầu tiên xét xử vắng mặt bị cáo.
Không chỉ người cần đầu nhiều khả năng vắng mặt mà có thông tin là hai trợ thủ đắc lực cho bà Sáu Phấn là Ngô Kim Huệ, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín và Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty Phú Mỹ đều mang thai con thứ 3 và nuôi con nhỏ.
Được biết luật sư bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Kim Loan đã gửi văn bản kiến nghị xin hoãn phiên tòa do bị cáo được dự sinh trong khoảng thời gian tòa đưa vụ án ra xét xử.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 4/5, TAND Cấp cao tại Hà nội đã tuyên "đại án" Hà Văn Thắm và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Theo đó cơ quan này cho rằng HĐXX sơ thẩm xử Hứa Thị Phấn 17 năm, Phạm Công Danh 14 năm là phù hợp, đúng quy định pháp luật, không chấp nhận kháng cáo.
Như vậy, bà Phấn đã chính thức “dính” một án 17 năm tù và tới đây sẽ phải đối mặt với một bản án mà bà là chủ mưu gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.