Theo báo cáo của Sở Công Thương Bắc Giang, tình hình thị trường tiêu thụ vải thiều trên địa bàn đang rất thuận lợi, mỗi ngày tiêu thụ bình quân gần 6.000 tấn.
Trong năm 2018, nhờ thời tiết thuận lợi, cây vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao, sản lượng vải tại nhiều tỉnh đạt mức cao, đánh dấu năm vải được mùa nhất trong 10 năm gần đây.
Tại tỉnh Bắc Giang, diện tích trồng vải thiều năm 2018 duy trì gần 29.000 ha, sản lượng ước đạt từ 150.000 đến 180.000 tấn. Hiện diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn GlobalGAP ngày càng được mở rộng, với 394 hộ sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tập trung chủ yếu tại huyện Lục Ngạn.
Theo thống kê, sản lượng vải thiều tiêu chuẩn VietGap đạt khoảng 90.000 tấn và 10.000 tấn vải thiều tiêu chuẩn GlobalGap. Hiện vải thiều Lục Ngạn đã được Bộ Khoa học công nghệ cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại 8 quốc gia gồm: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Lào và Campuchia. Thời gian thu hoạch vải thiều chính vụ trong khoảng cuối tháng 5 đến cuối tháng 7.
Cụ thể, tính đến ngày 23/6/2018, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều ước đạt 159.648 tấn, tổng doanh thu ước đạt 4.459,1 tỷ đồng; trong đó: doanh thu từ vải thiều ước đạt 2.675,5 tỷ đồng, dịch vụ hỗ trợ ước đạt 1.783,6 tỷ đồng.
Đến nay, đã xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc sản lượng ước đạt 63.500 tấn, doanh thu ước đạt 111,5 triệu USD (tỷ giá USD = 22.780 VNĐ).
Hiện giá vải tại huyện Lục Ngạn vẫn giữ ở mức ổn định dao động từ 10.000 - 35.000 đ/kg. Hiện tại, thương nhân đến thu mua vải thiều tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Lục Ngạn với trên 170 thương nhân Trung Quốc và khoảng trên 1.000 thương nhân Việt Nam.
Điểm cân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng trên 700 điểm cân lớn, nhỏ và tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Lục Ngạn với trên 600 điểm cân.
Phụ kiện phục vụ mua bán vải thiều giữ được giá: Đá cây 27.000 - 30.000 đ/cây; thùng xốp loại nhỏ: 28.000 - 30.000 đ/thùng, loại to 48.000 - 50.000 đ/thùng.
Đến nay, thị trường tiêu thụ trong nước chủ yếu là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng... và xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Australia, Mỹ, Nhật Bản, một số nước EU. Dự kiến ngày 25/6 một doanh nghiệp sẽ xuất sang Nga 20 - 40 tấn và sang Nhật Bản 20 tấn.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì xuất khẩu quả vải tươi và vải thiều chế biến. Thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống, với phần lớn sản phẩm vải thiều tươi tiêu thụ ở thị trường này. Ngoài ra, các doanh nghiệp tiếp tục tập trung nâng cao sản lượng xuất khẩu vào các thị trường: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia; mở rộng thị trường xuất khẩu khác: Trung Đông, Thái Lan, Canada…
Theo Chủ tịch Hiệp hội Trái cây quốc tế Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), mùa vải thiều ở Việt Nam sớm hơn vải thiều ở Trung Quốc từ 20 - 30 ngày nên có lợi thế xuất khẩu. Quả vải thiều của Việt Nam thơm ngon hơn loại vải thiều trồng tại Trung Quốc, được người tiêu dùng nước này đặc biệt yêu thích.
Nhiều năm nay, vải thiều nhập từ Việt Nam được tiêu thụ rất mạnh ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Quảng Châu, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thẩm Dương và hiện đang được mở rộng tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố khác, nên nhu cầu nhập khẩu là rất lớn.
Trong thời gian gần đây, trái vải đã bước đầu chinh phục được nhiều thị trường mới, khó tính bằng chất lượng và thương hiệu thông qua nhiều hình thức nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng trong sản xuất và tiêu thụ,
Việc triển khai gắn tem truy xuất nguồn gốc được coi là bước đột phá trong tiêu thụ vải thiều. Tại huyện Lục Ngạn, trong năm 2018 lần đầu tiên Lục Ngạn sẽ hỗ trợ 50% kinh phí tem xác nhận vải thiều cho tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ. Đồng thời, thiết lập sổ chăm sóc nhật ký vải thiều điện tử, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân chăm sóc vải thiều, giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua điện thoại thông minh.