Chúng tôi có mặt tại xã Cao Tân cũng là khi một số hộ dân theo nghề dệt đã cất khung nghỉ ngơi sau mùa dệt. Chị Dương Thị Điềm, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cao Tân cho biết, dệt vải nhìn chung cho thu nhập tốt, tuy nhiên ở đây chỉ gần Tết người ta mới dệt nhiều. Hiện nay sản phẩm làm ra không đủ bán. Một mặt chăn có giá 500.000 đồng, người nào dệt nhanh không đến hai ngày.
Hiện nay tại Cao Tân, số người còn theo nghề dệt không nhiều, nguy cơ mai một nghề truyền thống này rất cao.
“Khi tôi còn làm bên Hội Phụ nữ, tôi đã có ý tưởng gắn kết các hội viên còn làm nghề để giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều chị bảo dệt còn chậm, nhất là lại không có ai trồng cây bông nên thiếu nguyên vật liệu, tôi thì hiện nay vẫn công tác nên ít có thời gian dành cho việc dệt”, chị Điềm cho biết thêm.
Khi chúng tôi lên, nhà chị Điềm cũng vừa vào khung ít ngày. Vừa khệ nệ bê ra cho chúng tôi những vỏ chăn vừa mới dệt, chị Điềm vừa bảo, chăn này đồng bào ở đây rất chuộng, nhất là nhà nào có con gái, con trai dựng vợ gả trồng đều phải chuẩn bị để làm lễ trong ngày cưới, rồi mang theo như của hồi môn, tặng gia đình bên chồng…
Để chúng tôi hiểu hơn về nghề dệt, chị Điềm gọi điện đến các gia đình còn làm nghề, tuy nhiên đa phần các gia đình này đều đã cất khung. Cuối cùng chúng tôi cũng được kết nối với “cao thủ” nghề dệt Cao Tân, chị Ma Thị Hiềm, trú tại thôn Đuông Nưa của xã. Chị Hiềm từng được giải nhì cuộc thi dệt vải tại Hội Xuân Ba Bể, và được đánh giá là người có tấm vải dệt đẹp nhất trong cuộc thi.
Chị Ma Thị Hiềm, "cao thủ" nghề dệt xã Cao Tân vẫn miệt mài bên khung dệt.
Tại nhà chị Hiềm, khi chúng tôi có mặt vẫn còn tấm vải đang dệt dở trên khung. Tiếp chúng tôi bằng những chén rượu đầy, chị Hiềm vui vẻ: "Muốn hỏi gì hỏi sau, không uống thì không trả lời đâu á!".
Sau vài chén đủ đầy, chị bắt đầu chia sẻ: "Giờ không còn mấy người làm nghề, mình làm vì tiếc nghề của bà, của mẹ thôi. Nhưng nói thật, chăm chỉ thì cũng có đồng ra đồng vào, trung bình một năm mình dệt được khoảng 15 mặt chăn còn các loại khác nữa, từ vải trắng, khăn rồi đến vải chàm đen… Hồi mới ra ở riêng, không có tiền cho con ăn học, may nhờ làm dệt mới có tiền trang trải, trả nợ ngân hàng".
Một số sản phẩm đã được chị Hiềm hoàn thiện theo đơn đặt hàng.
Chị Hiềm đã làm nghề dệt 14 năm nay. Chị cho biết, may mắn chồng con cũng rất ủng hộ, giúp đỡ việc nhà cho nên mới có thời gian làm, chứ nghề này mất nhiều thời gian lắm.
Cháu Lường Thị Duyến (con gái chị Hiềm) cho biết: "Thấy mẹ làm nhiều nên cháu bắt chước, giờ cháu cũng biết dệt rồi, tuy nhiên cháu chưa biết vào soi. Dệt không khó lắm, quan trọng là quan sát học hỏi, song để giỏi như mẹ thì chắc còn lâu mới được".
Một số người dân cho biết, hiện ở xã Cao Tân (huyện Pác Nặm) chỉ còn trên dưới 10 hộ còn duy trì dệt vải, nhưng đa phần phục vụ nhu cầu cá nhân.
Trước đây, tại thôn Đuông Nưa có chị Nông Thị Huệ, chị Lường Thị Âm còn làm bột ngâm nhuộm, thôn Cốc Lải cũng có nhiều người làm nhưng hai năm nay đã ít đi. Việc trồng bông, tự se sợi hay nhuộm chàm cũng đã ít hoặc không còn, chủ yếu các nguyên liệu hiện nay đều mua sẵn tại chợ, nhất là sợi dệt. Cây chàm, cây xản làm bột nhuộm ở Đuông Nưa vẫn trồng nhưng cũng chỉ phục vụ gia đình.
Trao đổi với chúng tôi về nghề dệt vải ở Cao Tân, chị Hoàng Thị Thiệp, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cao Tân cho biết, hiện nghề dệt ở Cao Tân đang dần mai một do lớp trẻ đã ít người học nghề. Việc gắn kết để giới thiệu sản phẩm chưa thực hiện được do thiếu kinh phí và cũng thiếu sản phẩm. Chúng tôi rất mong có được sự hỗ trợ kinh phí hoặc có kế hoạch cụ thể để phát triển nghề truyền thống này. |