Từ nay đến năm 2025, tỉnh Bắc Kạn tập trung thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất tiên tiến, bền vững, thân thiện với môi trường.
Dấu ấn tái cơ cấu nông nghiệp
Nông - lâm nghiệp là ngành sản xuất chính, được chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực trong những năm qua tại tỉnh Bắc Kạn.
Một số nông sản mang tính đặc thù của địa phương bước đầu được sản xuất thành hàng hóa có liên kết và gắn với chế biến. Tỉnh hiện có 6 sản phẩm nông nghiệp được cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó 2 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý (hồng không hạt Bắc Kạn, quýt Bắc Kạn) và 4 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể (gạo Bao thai Chợ Đồn, miến dong Bắc Kạn, gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, chè Shan tuyết Bằng Phúc).
Bắc Kạn có 13 tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn theo hình thức tập trung, trong đó có 2 doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị với giống ngoại thuần chủng cho hiệu quả kinh tế cao.
Về lâm nghiệp, tỉnh đang từng bước chuyển từ khai thác gỗ rừng tự nhiên là chủ yếu sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn. Nhờ đồng bộ nhiều giải pháp, Bắc Kạn dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng (73,4%) với diện tích rừng 372.665ha, trong đó rừng trồng là 99.336ha.
Chủ vườn ươm cây giống lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ngân Sơn chăm sóc cây giống chuẩn bị cho vụ trồng rừng năm 2021 |
Tạo dấu ấn đặc biệt là đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, được triển khai tại từng thôn, bản. Sau 3 năm, Bắc Kạn vươn lên là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 131 sản phẩm đạt 3 sao OCOP trở lên, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao và 118 sản phẩm đạt 3 sao, 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao đã hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia.
Trong quá trình thực hiện, 56 sản phẩm được đăng bán trên các sàn giao dịch điện tử lớn; 9 sản phẩm có hợp đồng tiêu thụ tại siêu thị BigC và 1 sản phẩm được xuất khẩu. Các sản phẩm địa phương được giới thiệu, quảng bá tới các vùng miền, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả cho người sản xuất.
Đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, chế biến gỗ và dược liệu
Sau nhiều năm thực hiện chủ trương tái cơ cấu, sản xuất nông - lâm nghiệp của Bắc Kạn đã có nhiều bước tiến, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như: giá trị gia tăng trong sản xuất thấp, quy mô sản xuất manh mún, chưa thành vùng sản xuất, việc liên kết giữa sản xuất, chế biến và cung ứng hàng hóa ra thị trường còn hạn chế…
Theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035, tỉnh Bắc Kạn lấy lâm nghiệp, chế biến gỗ và dược liệu là trọng tâm. Mục tiêu giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp, chế biến gỗ đến năm 2025 (theo giá so sánh) đạt 2.099 tỷ đồng, trong đó lâm nghiệp tăng 2,09 lần so với hiện tại, chế biến tre, gỗ, nứa tăng thêm hơn 20 lần so với năm 2018. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 giá trị tăng thêm đạt 2.380 tỷ đồng, tăng 1,29 lần so với hiện tại (hiện nay là 1.845 tỷ đồng). Giá trị tăng thêm trong lĩnh vực chăn nuôi đạt 1.161 tỷ đồng, tăng 1,61 lần so với hiện tại.
Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Bắc Kạn |
Để thực hiện, Bắc Kạn sẽ phát triển chuỗi giá trị các ngành hàng có lợi thế, đặc biệt là quan tâm phát triển các sản phẩm bản địa, sản phẩm chủ lực, OCOP. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển thị trường, liên kết sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm và dịch vụ tiêu thụ nông sản, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Long Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Bắc Kạn luôn xác định việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo sự ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân. Với những lợi thế sẵn có, nguồn nhân lực dồi dào, cùng với sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với nhiều chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tỉnh Bắc Kạn luôn kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.”
Định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ
Bắc Kạn đặt mục tiêu đến năm 2025, 40% các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy xuất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGap, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững hoặc FSC; 30% sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ; 100% diện tích cây ăn quả đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó ít nhất 50% được cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ...
Tỉnh đã có một số mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ như HTX Hương Ngàn với vùng nguyên liệu xả chanh tại xã Kim Lư, huyện Na Rì.
Năm 2020, được Chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại (FFF) hỗ trợ, cán bộ Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Hội Nông dân các xã Phương Viên, Yến Dương đã được đào tạo về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS). Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ HTX Hoàn Thành (Phương Viên), HTX Yến Dương (xã Yến Dương) theo quy trình sản xuất hữu cơ của PGS.
Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện các đề tài/dự án khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp có nội dung sản xuất theo hướng hữu cơ như: “Ứng dụng khoa học công nghệ tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết tại Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn”; “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn”; “Xây dựng mô hình phục tráng bí xanh thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt” …
Với những giải pháp và lộ trình phù hợp, Bắc Kạn đang từng bước giúp người dân, doanh nghiệp có điều kiện, môi trường tốt hơn để phát triển kinh tế.
Ngọc Hân