Theo báo South China Morning Post, Bắc Kinh chỉ ghi nhận chính thức 1.027 ca mắc COVID-19 mới vào sáng 13-12 nhưng quy mô của dịch được cho là lớn hơn nhiều do người dân không còn phải làm xét nghiệm PCR hay trình giấy xét nghiệm kháng nguyên.
Có những lo ngại về việc liệu Trung Quốc có thể thực hiện chuyển đổi một cách an toàn từ chính sách nghiêm ngặt "Zero-COVID" (Không COVID-19 ) trước đây mà không gây ra tình trạng lây nhiễm tràn lan trong cộng đồng và phá hủy hệ thống y tế hay không.
Kể từ khi các quy tắc nới lỏng được công bố vào tuần trước và Bắc Kinh ngừng cố gắng kiểm soát các đợt bùng phát đang gia tăng, các bệnh viện ở thủ đô nước này đang gặp nhiều khó khăn.
Bệnh viện chưa bị quá tải nhưng xảy ra tình trạng thiếu nhân viên do các nhân viên y tế mắc bệnh. Một số cơ sở đã ngừng phẫu thuật không khẩn cấp để duy trì hoạt động.
"Dịch bệnh gia tăng nhanh chóng dẫn đến áp lực lớn hơn đối với hệ thống y tế trong thời gian ngắn", ông Li Ang, phó giám đốc Ủy ban Y tế Bắc Kinh, cho biết.
Một thông báo được dán trên cửa sổ hiệu thuốc tại Bệnh viện Haidian ở phía tây Bắc Kinh cho biết: "Tất cả các dược sĩ đều bị bệnh - xin vui lòng thông cảm cho chúng tôi".
"Rất nhiều bác sĩ cũng mắc COVID-19 nhưng phải làm nhiệm vụ vì nếu không thì bệnh viện không thể mở cửa, đó không phải là một lựa chọn - đại diện Bệnh viện Haidian cho biết - Chúng tôi phải giữ cho bệnh viện mở cửa và hoạt động".
"Chúng tôi không xét nghiệm PCR nữa nên bác sĩ có thể dương tính vẫn đi làm. Nếu bạn bắt gặp một bác sĩ nói chuyện với bạn bằng giọng khàn khàn, thì 90% là bác sĩ đó mới hạ sốt và đến làm việc vì chúng tôi cần người để duy trì hoạt động của bệnh viện", đại diện Bệnh viện Haidian nói thêm.
Một bác sĩ tại một bệnh viện khác ở quận Đông Thành cho biết bệnh viện đã ngừng kiểm tra kết quả xét nghiệm PCR của bệnh nhân và một số bệnh nhân xin đơn thuốc có các triệu chứng điển hình của COVID-19. Nhưng bác sĩ này không đặc biệt lo lắng vì mắc bệnh là điều "chắc chắn sẽ xảy ra".
"Tôi đeo khẩu trang rất kỹ nhưng tôi nghĩ việc tôi bị mắc bệnh tại nơi làm việc chỉ là vấn đề thời gian. Tôi đang giữ một cái đầu lạnh về việc đó", nữ bác sĩ nói.
Người dân Bắc Kinh đeo khẩu trang đứng đợi trước hiệu thuốc, ngày 13-12 - Ảnh: REUTERS
Các quan chức y tế và truyền thông nhà nước đã kêu gọi người dân không hoảng sợ và trừ khi họ bị bệnh nặng hãy theo dõi các triệu chứng tại nhà thay vì gọi xe cứu thương. Ủy ban Y tế quốc gia đã ban hành một hướng dẫn về việc tự chăm sóc tại nhà.
Ủy ban Y tế Bắc Kinh cho biết 22.000 người đã đến các phòng khám sốt vào ngày 11-12, cao gấp 16 lần một tuần trước đó. Các cuộc gọi xe cứu thương tăng đột biến với 31.000 cuộc gọi vào ngày 9-12, cao gấp 6 lần mức bình thường.
Tình trạng thiếu thuốc tại các hiệu thuốc đã khiến bệnh nhân xếp hàng dài tại các phòng khám sốt ở bệnh viện.
Theo Hãng tin Reuters, một nền tảng chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc đã bắt đầu bán thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 bằng đường uống của Hãng dược Pfizer (Mỹ) trong đợt bán lẻ thuốc đầu tiên tại quốc gia này.
Dịch vụ khách hàng của nền tảng này cho biết Paxlovid đã bán hết chỉ hơn nửa giờ sau khi thông báo trên các phương tiện truyền thông, cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với thuốc COVID-19 và thuốc cảm cúm ở Trung Quốc.
Thuốc Paxlovid được bán với giá 2.980 nhân dân tệ (426,8 USD) mỗi hộp trên ứng dụng sức khỏe. Mọi người có thể mua thuốc trên ứng dụng nếu có kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính.
Triển khai tiêm vắc xin nhắc lại cho nhóm nguy cơ cao
Sáng 14-12, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc sẽ triển khai mũi tiêm nhắc lại vắc xin COVID-19 lần thứ hai cho các nhóm có nguy cơ cao và người trên 60 tuổi. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm nhắc lại là 6 tháng.
Kể từ ngày 14-12, NHC ngừng báo cáo ca mắc COVID-19 mới không có triệu chứng, vì người không có triệu chứng không còn xét nghiệm, khiến việc ghi nhận số liệu trở nên khó khăn.