Bắc Ninh là tỉnh có nhiều dấu ấn kinh tế nổi bật trong những năm gần đây. Tiêu biểu trong năm 2021, Bắc Ninh có quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 toàn quốc, GRDP đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, gấp 23,8 lần kể từ khi tái lập tỉnh, chiếm 2,71% GDP cả nước, tăng 6,9% so với năm 2020. Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.504 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 1.000 lần so với năm thành lập tỉnh và đứng thứ nhất cả nước.
Trong hai tháng đầu năm 2022, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, một số dự án lớn đã đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh trong hai tháng đầu năm đó là dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm gần 941 triệu USD và dự án Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Goertek) điều chỉnh tăng thêm gần 306 triệu USD vốn đầu tư tại khu công nghiệp Quế Võ.
Đối với mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến nay, Bắc Ninh đã đáp ứng được 3/5 tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, tỉnh còn hai tiêu chuẩn chưa đạt, đó là khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương chưa được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại I và có 60% đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc là quận, 3 điểm của cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
Từ nay đến năm 2030, Bắc Ninh xác định tập trung quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, hoàn thành việc nâng cấp các đô thị nhằm nâng cao tỷ lệ đô thị hóa để hoàn thiện 2 tiêu chí còn thiếu.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Bắc Ninh xác định cần hơn 5 tỷ USD vốn đầu tư, tương đương 100.000 tỷ đồng để hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, tỉnh xác định nguồn vốn Nhà nước sẽ đáp ứng được khoảng 40%, tập trung vào những tiêu chí cấp bách và 60% còn lại sẽ là xã hội hoá.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, 5 năm tới, nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ cân đối đầu tư được khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng, còn lại là đầu tư bằng xã hội hoá. Cụ thể, tỉnh thực hiện các khu công nghiệp, đô thị lớn trên địa bàn, làm hạ tầng đồng bộ các tuyến đường trục chính, phục vụ cho dự án và nhu cầu đi lại của người dân.
Hơn nữa, tỉnh Bắc Ninh xác định phát triển công nghiệp với 5 khu công nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt là động lực chính. Một trong số các khu công nghiệp đó là, khu công nghiệp VSIP 2, khu công nghiệp Thuận Thành 1, Gia Bình 1-2 và Quế Võ 3.
Định hướng của Bắc Ninh là xây dựng các khu đô thị có diện tích lớn, đồng bộ hàng trăm ha. Tỉnh yêu cầu các nhà đầu tư phải hoàn thiện toàn bộ các trục đường và hệ thống hạ tầng - xã hội xung quanh, áp dụng cho cả các nhà đầu tư công nghiệp.
Trong quá trình phát triển đô thị, tỉnh sẽ xây dựng hạ tầng để nâng cấp 5 đơn vị hành chính cấp huyện phía Bắc sông Đuống đạt tiêu chí quận. Cùng với đó, tỉnh thành lập các khu công nghiệp mới, phát triển các khu đô thị lớn như: Khu Đông Nam thành phố Bắc Ninh có diện tích khoảng 1.000 ha; khu đô thị du lịch sinh thái văn hóa nghỉ dưỡng khoảng 1.400 ha; khu đô thị du lịch Phật Tích 1.000 ha, khu đô thị nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí Thuận Thành 1.200ha.
Khi Bắc Ninh chính thức lên thành phố trực thuộc Trung ương, các khu đô thị này sẽ tạo động lực phát triển, tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị trở thành tiền đề quan trọng, thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đặc biệt, tạo sức bật cho kinh tế Bắc Ninh phát triển trong tương lai.