Bắc Ninh trở thành trung tâm kinh tế quan trọng của Miền Bắc
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm các đơn vị hành chính: thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn, huyện Quế Võ và huyện Yên Phong với tổng diện tích khoảng 491,37 km2.
Mục tiêu quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh đạt tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc trung ương, làm tiền đề để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2022; xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành đô thị văn hóa - sinh thái - tri thức, theo mô hình đô thị thông minh.
Tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội với trọng tâm là dịch vụ thương mại, đào tạo - nghiên cứu khoa học, du lịch văn hoá, y tế - nghỉ dưỡng, công nghiệp và logistic chất lượng cao; trở thành một đầu mối giao lưu, trung tâm du lịch văn hoá, đào tạo - nghiên cứu khoa học của vùng Thủ đô, vùng kinh tế Bắc Bộ và cả nước, có ý nghĩa quốc tế; trở thành đô thị thông minh, đô thị lớn trong vùng Thủ đô Hà Nội, có sức cạnh tranh mạnh mẽ với các đô thị khác trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Một trong những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh là đề xuất các giải pháp kiểm soát phát triển không gian đô thị, công trình cao tầng, bố trí các không gian công cộng, không gian ngầm cho dân cư đô thị, đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội theo hướng chất lượng cao đạt tiêu chuẩn đô thị loại 1; đấu nối hệ thống cơ sở hạ tầng khung, đặc biệt là hệ thống giao thông. Phát triển hệ thống hạ tầng đầu mối liên khu vực như: Cấp nước sạch, cấp điện, thông tin liên lạc, xử lý nước thải, chất thải rắn và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu khả năng phát triển giao thông ngầm.
Thị trường BĐS nhiều tiềm năng phát triển
Được biết, thời gian qua, cả nước đã chứng kiến sự phát triển thần tốc của Bắc Ninh với tăng trưởng công nghiệp gấp 1.200 lần trong 20 năm. Bắc Ninh hiện đứng hàng đầu toàn quốc về thu hút vốn đầu tư và lực lượng lao động trong và ngoài nước đến sinh sống và làm việc.
Hiện đại Bắc Ninh được xem là địa điểm đầu tư tiềm năng hàng đầu Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài như Samsung, Canon, Foxconn... đều đặt trụ sở sản xuất và không ngừng gia tăng vốn đầu tư tại đây. Năm 2017, Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam tiếp tục “rót” thêm 2,5 tỷ USD vào Bắc Ninh, nâng tổng đầu tư của doanh nghiệp lên đến 4 tỷ USD.
Cùng với sự phát triển về kinh tế Bắc Ninh cũng dần trở thành “điểm nóng” bất động sản miền Bắc. Cụ thể, hai năm qua, bất động sản Bắc Ninh thực sự "bùng nổ" khi hàng loạt dự án lớn ồ ạt đổ bộ vào đây.
Có thể kể đến như Tập đoàn FLC công bố sẽ xây dựng khu đô thị nghỉ dưỡng FLC Bắc Ninh tại xã Phú Lâm, huyện Tiên Du. Tập đoàn Vingroup cũng ra mắt tổ hợp căn hộ cao cấp Vinhomes Bắc Ninh với 2 tòa căn hộ cao 27 và 31 tầng, trung tâm thương mại tại 4 tầng khối đế. Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) cũng đang sở hữu dự án khu đô thị mới đường Lê Thái Tổ, TP Bắc Ninh.
Công ty cổ phần Him Lam cũng đang lên kế hoạch Bắc tiến với dự án khu đô thị tại Bắc Ninh. Theo thông tin ghi nhận được, đây là dự án có quy mô xấp xỉ 27 ha với tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, gồm các sản phẩm nhà biệt thự, nhà phố thương mại, nhà liền kề và căn hộ; kèm theo chuỗi tiện ích hoàn chỉnh ngay nội khu: trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học…
Lý giải cho sức nóng của thị trường này, giới đầu tư cho hay do Bắc Ninh quy hoạch thành TP trực thuộc Trung ương vào năm 2022, có sự kết nối về mặt hạ tầng và phát triển mạnh về khu công nghiệp, chính vì vậy thị trường đang hút một lượng lớn nhà đầu tư.
Bắc Ninh cũng là địa phương thu hút lượng lớn các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản về làm việc tại các khu công nghiệp, kéo theo nhu cầu về các dịch vụ chuẩn quốc tế với tiện ích cao cấp, nhất là dịch vụ lưu trú. Điều này gián tiếp khiến thị trường bất động sản tại đây sôi động trở nên sôi động hơn.